Cứu sống bệnh nhân trẻ bất ngờ lên cơn đau nhồi máu cơ tim

Anh Nguyễn Ngọc Lâm (38 tuổi, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đột nhiên lên cơn đau dữ dội vùng ngực trái, được sơ cứu tại bệnh viện tuyến dưới và chuyển thẳng lên Trung tâm Tim mạch, bệnh viện E ngày 3/11.

ThS.BS Phan Thảo Nguyên, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốc tim; đau dữ dội vùng ngực trái, nguy cơ ngừng tim, ngừng tuần hoàn nên được đưa thẳng vào phòng can thiệp tim mạch, dù chưa kịp tiến hành xét nghiệm, chiếu chụp.

3

Nhờ được can thiệp kịp thời, bệnh nhân đã qua nguy kịch. Trong ảnh, bác sĩ khám lại cho bệnh nhân sau khi tiến hành can thiệp. Ảnh: T.X

Vừa hồi sức tích cực, các bác sĩ vừa chụp động mạch vành qua da và tiến hành hút huyết khối và đặt stent khi xác định động mạch phải tổn thương nhiều và hẹp tới 99%.

Sau khi can thiệp khoảng 20 phút, bệnh nhân hết đau ngực, mạch, huyết áp ổn định, được chuyển về theo dõi tại phòng hồi sức can thiệp và điều trị nội khoa.

Theo GS.TS Lê Ngọc Thành – Giám đốc Bệnh viện E, đây là trường hợp bệnh nhân trẻ tuổi nhất mắc bệnh nhồi máu cơ tim được cấp cứu và can thiệp kịp thời tại Trung tâm tim mạch của bệnh viện.

Đây cũng là ca bệnh có thời gian chẩn đoán và xử lý rất nhanh, chỉ 60 phút cho toàn bộ quá trình từ khi bệnh nhân được đưa vào khoa Cấp cứu (Bệnh viện E) đến khi can thiệp xong tại Trung tâm tim mạch.

Để phòng tránh căn bệnh này, BS Nguyên khuyến cáo, những người trẻ tuổi có nguy cơ mắc nhồi máu cơ tim cần điều chỉnh lối sống, thường xuyên tập thể dục (ít nhất 30 phút mỗi ngày), chế độ ăn uống tăng cường rau xanh, trái cây, tránh món xào, dán, giảm hút thuốc lá, bia rượu… Đặc biệt, bệnh nhân cần tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ khi mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp.

Những người béo phì cũng cần điều chỉnh chế độ ăn, giảm cân để giảm các yếu tố làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim.

Theo thống kê, có tới 60% bệnh nhân nhồi máu cơ tim đến viện sau 12 tiếng có các triệu chứng đau thắt ngực, gần 40% đến trước 12 tiếng và chỉ có khoảng 2% bệnh nhân được đưa đến viện trong khoảng “giờ vàng” để đảm bảo điều trị tốt nhất.

Theo khuyến cáo, với bệnh nhân khi xuất hiện cơn đau thắt ngực thời điểm lý tưởng để thực hiện can thiệp thông mạnh vành là 2 tiếng kể từ khi có triệu chứng này. Sau 6 tiếng là thời gian vàng để can thiệp; trước 12 tiếng người bệnh vẫn còn cơ hội điều trị tốt nhưng với những trường hợp đến viện sau 12 tiếng rất khó cứu hoặc để lại những di chứng nặng nề.

Nguồn : Hồng Hải


Các bài viết khác trong mục Tư vấn sức khỏe