Dịch sốt xuất huyết lên đỉnh, ai cũng có thể mắc bệnh

Cuộc giao lưu về phòng chống dịch sốt xuất huyết diễn ra từ 9-11g sáng 5-10, từ hai điểm cầu tại Hà Nội và TP.HCM với khách mời đến từ Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế và các bệnh viện lớn ở Hà Nội, TP.HCM.

NỘI DUNG GIAO LƯU

* Mùa dịch sốt xuất huyết năm nay xuất hiện đồng thời với nhiều loại bệnh khác cũng có sốt, vậy phân biệt thế nào là sốt xuất huyết? Thế nào là các loại bệnh cùng có biểu hiện sốt khác? (Trần Triều, TP.HCM)

Ông Nguyễn Văn Kính, Giám đốc bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương: Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm có những đặc điểm riêng về dịch tễ, lâm sàng và xét nghiệm.

Người ta thường nghĩ đến bệnh nhân bị mắc bệnh sốt xuất huyết khi người đó đang sống trong vùng có dịch và xuất hiện các triệu chứng như: sốt cao đột ngột, liên tục, kéo dài từ 2 -7 ngày.

Từ ngày thứ ba, bắt đầu xuất hiện các biểu hiện xuất huyết như xuất huyết dạng chấm trên da, chảy máu chân răng, chảy máu cam, chảy máu củng mạc mắt.

Một số trường hợp có thể có rong kinh hoặc hành kinh sớm trước kì kinh. Nặng hơn có thể xuất huyết ở các nội tạng như: xuất huyết tiêu hóa.

Một số trường hợp có thể xuất hiện tràn dịch ở màng bụng, màng phổi do thoát quản dịch khỏi lòng mạch có thể dẫn tới sốc nếu không được điều trị kịp thời có thể bị tử vong.

Xét nghiệm có thể thấy tiểu cầu hạ, men gan tăng hoặc các biểu hiện xét nghiệm liên quan đến sốc.

Trong ba ngày đầu, người ta có thể làm xét nghiệm tìm kháng nguyên NS1, sau đó có thể làm xét nghiệm tìm IgM để khẳng định bị sốt xuất huyết Dengue hay không.

* Đốt hương muỗi liệu có xua được muỗi gây dịch sốt xuất huyết? (Trúc Đào, daotrucanh11@)

Ông Nguyễn Văn Kính: Đốt hương trừ muỗi có thể xua đuổi được muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết nhưng khi hết mùi hương thì muỗi lại quay trở lại.

* Có vắc xin phòng sốt xuất huyết hay chưa? Nếu chưa có thì cách phòng bệnh đặc hiệu nhất là gì? (Metamvong@)

Ông Nguyễn Văn Kính, Giám đốc bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương: Cho đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết. Vì vậy, chúng ta sử dụng các biện pháp dự phòng không đặc hiệu để ngăn chặn bệnh:

 + Thứ nhất, đối với mỗi cá nhân tìm mọi cách để tránh muỗi đốt như: xoa kem chống muỗi vào chỗ da hở, đi ủng khi vào vùng có muỗi, mặc quần áo dài tay, ngủ phải mắc màn…

+ Thứ hai, đối với gia đình và cộng đồng tìm mọi cách để loại bỏ nơi muỗi có thể đẻ trứng. Muỗi vằn thường đẻ trứng vào chỗ nước sạch như những ổ chứa nước mưa (vỏ lốp xe, bát đỉa bị vỡ, gáo dừa, lọ đựng bình hoa, nước thải từ tủ lạnh, nước đựng ở những chân chạn…). Thực hiện khẩu hiệu “không có loăng quăng (bọ gậy) thì không có sốt xuất huyết). Có thể thả cá vào những bể chứa nước để cá ăn bọ gậy, đậy kín chum vại chứa nước ăn…

+ Thứ ba, ngành y tế dự phòng tiếp tục phun thuốc diệt muỗi nhất là phun thuốc trước khi có dịch dựa theo chu kỳ xuất hiện bệnh hằng năm.

+ Thứ tư, khi có triệu chứng nghi ngờ sốt xuất huyết phải đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

* Từ lứa tuổi nào có thể mắc sốt xuất huyết, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ có thể mắc căn bệnh này không? (Mebaubi@)

Ông Nguyễn Văn Kính, Giám đốc bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương: Ai cũng có thể bị mắc sốt xuất huyết nếu muỗi truyền bệnh từ người mắc bệnh sang.

* Đối tượng nào dễ bị biến chứng nguy hiểm nhất khi mắc sốt xuất huyết? (Lương Hòa, Bình Thạnh, TP.HCM)

– Ông Nguyễn Văn Kính, Giám đốc bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương:Những bệnh nhân bị sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo như: sốt cao liên tục từ 39 độ C trở lên, li bì, mệt mỏi nhiều, xuất huyết niêm mạc, tiểu cầu hạ, đau tức vùng gan là những dấu hiệu báo hiệu dễ đi vào sốc Dengue dẫn tới tử vong.

* Tôi được biết là muỗi gây bệnh có thể ẩn nấp ở lọ hoa, vậy làm sao để tránh muỗi hay là không được để các lọ hoa có nước trong gia đình? (Hoa Hồng, honghoa88@)

 – Ông Nguyễn Văn Kính, Giám đốc bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương: Phải thay đổi nước trong lọ hoa thường xuyên, hằng ngày để muỗi không còn chỗ đẻ trứng.

* Ở khu vực tôi sống đang có người bệnh mắc sốt xuất huyết, như vậy có phải tôi cũng có nguy cơ mắc bệnh nếu bị muỗi đốt hay không?  (Công Bình, binhan33@)

PGS.TS. Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM: Khi có người mắc bệnh sốt xuất huyết, nghĩa là muỗi khu vực đó đã có vi rút gây bệnh, người sống ở khu vực đó sẽ có nguy cơ mắc bệnh.

Do vậy, phải diệt hết muỗi tại nơi có bệnh nhân và diệt sạch lăng quăng tại nơi đó để không có muỗi mới xuất hiện.

Thời gian đầu của biểu hiện bệnh, đặc biệt là 5 ngày đầu, là lúc vi rút dengue phát triển trong cơ thể người bệnh, tạo cơ hội cho muỗi đốt và làm lây lan sang người khác, do đó cần bảo vệ người mắc bệnh trong thời gian này như ngủ mùng…, không để tác nhân truyền bệnh có cơ hội lây lan cho người khác. Điều cơ bản là phải diệt sạch lăng quăng ở khu vực đó.

phan-trong-lan-1444014059

Ông Phan trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM (trái), trả lời câu hỏi của bạn đọc tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ – Ảnh Thanh Đạm

* Muỗi gây dịch sốt xuất huyết thường xuất hiện vào thời điểm nào, phòng chống muỗi gây bệnh thế nào cho hiệu quả? (Ngọc Huy, huy99@)

Ông Nguyễn Đức Khoa, Phó Trưởng phỏng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng: Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát trển mạnh ở nhiệt độ 25-35 độ C và vào mùa mưa. Muỗi thường đẻ ở các dụng cụ chứa nước sạch như bể nước, chum vại lu khạp, lọ hoa, bát kê chân chạn, bình trồng cây thủy sinh, bể cảnh, vật liệu phế thải như mảnh sành vỡ, chai lọ, vỏ dừa, lốp xe, các máng nước nuôi gia súc gia cầm, khay nước điều hòa, tủ lạnh.

Trứng muỗi có thể bám vào thành các dụng cụ này và sống được trong 6 tháng khi mưa xuống, trứng ngập nước sẽ nở thành lăng quăng và phát triển thành muỗi. Virus truyền bệnh có thể truyền từ muỗi mẹ sang đời sau qua trứng.

Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết có đặc tính là xuất hiện và đốt người vào ban ngày, nhất là lúc chập choạng (sáng sớm hay chiều tối).

Để phòng tránh muỗi hiệu quả cần diệt muỗi, diệt lăng quăng bọ gậy, phòng tránh muỗi đốt bằng cách ngủ màn, mặc quần áo dài, dùng kem xua muỗi…

giaoluu-tt8resize-1444013843

Ông Nguyễn Văn Kính tại buổi giao lưu trực tuyến – Ảnh: VIỆT DŨNG

* Việc quá tải ở các bệnh viện được nói từ năm này qua năm khác. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương có xảy ra tình trạng quá tải không? Theo bác sĩ, cần có chiến lược chung nào? Riêng bệnh viện có những biện pháp gì trước những mùa quá tải, như mùa dịch sốt xuất huyết chẳng hạn? Cảm ơn bác sĩ (Nguyễn Đình Lộc, Hà Nội)

Ông Nguyễn Văn Kính, Giám đốc bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương:Hiện nay, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là tuyến đầu ngành để điều trị bệnh sốt xuất huyết nên chỉ có những ca bị mắc bệnh nặng mới được chuyển đến còn hầu hết các cơ sở y tế khác đều có thể chữa được bệnh sốt xuất huyết.

Bệnh viện đã kết hợp với hệ thống các bệnh viện vệ tinh để giảm tải cho nên đến nay bệnh viện không bị quá tải. Về chiến lược chung để giảm quá tải bệnh viện cần nhiều biện pháp đồng bộ.

Thứ nhất: Chúng ta thực hiện phòng bệnh hơn chữa bệnh, không có bệnh nhân thì bệnh viện không quá tải.

–  Thứ hai: Triển khai các biện pháp đồng bộ, gắn kết giữa các cơ sở điều trị trong hệ thống y tế đặc biệt là kết hợp với hệ thống bệnh viện vệ tinh, chuyển giao kĩ thuật cho các tuyến để đảm bảo các bác sĩ đều có thể chẩn đoán và điều trị có hiệu quả bệnh sốt xuất huyết.

Thứ ba: Có thể xây dựng thêm các bệnh viện để có thêm giường tiếp nhận điều trị các bệnh nhân nhất là khi có dịch.

* Có nên sử dụng các loại hóa chất bán ngoài thị trường để tự phun trừ muỗi không, thưa bác sĩ? (Trọng Khương, khuongtrong@)

Ông Nguyễn Đức Khoa: Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết không đậu trên tường, nên muốn diệt muỗi sốt xuất huyết thì phải phun khí dung, hóa chất lơ lửng trong không gian với các hạt hóa chất cực nhỏ bằng máy phun ULV chuyên dụng.

Việc sử dụng hóa chất diệt muỗi nên theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn để đảm bảo hiệu quả, an toàn, đúng kỹ thuật và không gây hại cho người, vật nuôi và môi trường.

Trong thời gian có dịch, người dân cần tích cực phối hợp với cơ quan y tế để phun hóa chất bằng máy phun có động cơ, không nên tự ý mua hóa chất và phun trừ muỗi tại nhà.

* Vì sao có hiện tượng sốt xuất huyết ở người lớn lại tăng mạnh trong thời gian qua? Có phải do nguyên nhân tác nhân gây bệnh có biến đổi? (lamanh@)

Ông Nguyễn Văn Kính: Cho đến nay tác nhân gây bệnh sốt xuất huyết không có gì thay đổi. Tuy nhiên, do thay đổi về môi sinh, thay đổi về lối sống và đặc biệt thay đổi về vi khí hậu làm cho trái đất nóng lên, vệ sinh môi trường không được đảm bảo, tạo nhiều cơ hội cho muỗi vằn sinh sôi và phát triển.

Trong khi đó, bệnh sốt xuất huyết lại chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên cơ hội để muỗi truyền bệnh từ người mắc bệnh sang người lành rất dễ dàng làm thay đổi diện mạo dịch tễ của bệnh.

Hơn nữa, sốt xuất huyết không gây ra miễn dịch bền vững, bệnh lại có nhiều thứ nhóm khác nhau. Vì vậy, dịch sốt xuất huyết xuất hiện ở tất cả mọi lứa tuổi và có xu hướng tăng lên ở người lớn.

* Nhà tôi ở khu vực khô ráo, không có rãnh nước lộ thiên mà vẫn bị sốt xuất huyết thì muỗi ẩn nấp ở đâu, làm sao để phòng trừ? (Cúc Đại Đóa, Gò Vấp, TP.HCM)

PGS.TS.Phan Trọng Lân: Bệnh sốt xuất huyết là do muỗi vằn truyền bệnh. Bạn đã mắc bệnh sốt xuất huyết có nghĩa là khu vực bạn đang sống (trong nhà hoặc xung quanh nhà) có lăng quăng, có muỗi vằn và muỗi vằn đã nhiễm vi rút sốt xuất huyết.

Các ổ chứa lăng quăng chủ yếu là:

o    Dụng cụ chứa nước sinh hoạt: lu, khạp, hồ chứa nước.

o    Các vật dụng linh tinh trong nhà: bình bông, đĩa kê chậu kiểng, chậu kiểng đọng nước, chỗ đọng nước thoát của máy lạnh, xô, thùng ngoài vườn…

o    Vật phế thải xung quanh nhà: vỏ xe, lon nước ngọt, vỏ dừa, vỏ cơm hộp, máng xối…

Có thể lăng quăng nằm trong nhà, ngoài nhà, hoặc khu vực xung quanh nhà mà bạn chưa phát hiện được. Bạn cần kiểm tra quanh nhà từ tầng thượng nơi để hồ nước đến từng phòng và nhà tắm; từ trong nhà ra ngoài sân, phía sau hè nhà.

Bạn có thể mở rộng khu vực kiểm tra rộng ra xung quanh, và vận động hàng xóm tham gia cùng để kiểm tra, phát hiện và loại trừ ổ lăng quăng ở khu vực, kể cả khu công cộng, công trường xây dựng, nếu có.

Bản thân bạn đang bị mắc sốt xuất huyết, trong vòng 5 ngày đầu, cần tự bảo vệ tránh để muỗi chích, tạo cơ hội cho muỗi lây truyền bệnh thêm. Đồng thời diệt sạch lăng quăng, để không tạo muỗi mới, cắt đứt đường lây truyền bệnh sang người khác.

* Ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, bệnh nhân có “nằm xếp lớp” (hai ba người một giường, nằm ngoài hành lang) như các bệnh viện khác không? Nếu không đến bệnh viện của ông khi bị sốt xuất huyết thì đến đâu cũng được điều trị tốt, thưa ông? (Loan Nghi, loan8990@)

Ông Nguyễn Văn Kính: Hiện nay, bệnh viện đã kết hợp tốt với hệ thống các bệnh viện vệ tinh nên chỉ các ca nặng mới chuyển đến bệnh viện Nhiệt đới Trung ương để giảm quá tải.

Nếu bị sốt xuất huyết bình thường, bạn có thể đến bất kì cơ sở, bệnh viện nào để được điều trị bởi vì Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sốt xuất huyết Dengue áp dụng cho tất cả các bệnh viện.

* Nếu không có bảo hiểm y tế thì việc điều trị sốt xuất huyết có chi phí khoảng bao nhiêu? (Mỹ Tiên, Hà Nội)

Ông Nguyễn Văn Kính: Chi phí sốt xuất huyết tùy thuộc vào tình trạng bệnh nặng hay nhẹ, nằm điều trị ngắn ngày hay dài ngày. Tùy vào từng trường hợp, các bệnh viện sẽ tính chi phí phù hợp cho từng người bệnh.

* Sau khi bị bệnh, cần có chế độ dinh dưỡng như thế nào để nhanh hồi phục sức khỏe? Nếu phát hiện trễ thì có để lại di chứng gì sau bệnh không? (Ngọc Hiền, Cà Mau)

Ông Nguyễn Văn Kính: Bệnh sốt xuất huyết không có kiêng khem gì về ăn uống nên sau khi hết sốt bạn có thể ăn thỏa thích các thứ mình muốn nhưng tập trung ăn những thức ăn nhiều chất bổ dưỡng như thịt, cá, trứng… Bệnh khỏi không để lại di chứng gì dù được phát hiện muộn hay sớm.

* Hóa chất phun trừ muỗi có ảnh hưởng gì đến sức khỏe người sống trong khu vực bị phun hóa chất hay không? (Trần Thị Thục, Cần Thơ)

Ông Nguyễn Đức Khoa: Hóa chất diệt muỗi được Bộ Y tế cấp phép lưu hành đều là những hóa chất đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo an toàn với người, gia súc, gia cầm và đang được nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng.

Những hóa chất này cũng đã được các cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế đánh giá, khảo nghiệm đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Tuy vậy khi phun hóa chất diệt muỗi người dân cần che đậy, thu dọn thực phẩm, nước uống, di chuyển người, vật nuôi ra khỏi khu vực phun, đóng cửa sổ, cửa ra vào để muỗi không bay ra ngoài. Người trong gia đình chỉ vào nhà sau 60 phút kể từ khi phun hóa chất.

giaoluu-tt3resize-1444013842

Ông Nguyễn Đức Khoa (phải) đang trả lời câu hỏi bạn đọc trực tuyến – Ảnh: VIỆT DŨNG

* Sốt xuất huyết có phải căn bệnh có thể lây lan hay không? Nếu là bệnh lây thì làm sao để tránh khỏi bị lây? (Tuyết Mai, Hà Nội)

Ông Nguyễn Văn Kính: Bệnh sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm có thể lây từ người này sang người khác do muỗi truyền. Để tránh bị lây thì phải điều trị khỏi những người mắc bệnh và tiêu diệt muỗi truyền bệnh bằng các cách đã nêu ở trên.

* Bà mẹ mang thai khi bị sốt xuất huyết có những nguy cơ gì thưa ông? (Lieenquynh@)

Ông Nguyễn Văn Kính: Bệnh sốt xuất huyết ở phụ nữ mang thai không có gì khác biệt so với những người khác bị bệnh trừ khi bệnh nhân bị sốt cao liên tục, có xuất huyết ở trong tử cung có thể dẫn tới sẩy thai hoặc đẻ non.

* Kính được hỏi Viện trưởng Viện Pasteur, hiện có loại vắc xin phòng tránh bệnh sốt xuất huyết không? Cụ thể nó như thế nào? Phòng được bao nhiều %? (Lê Hòa Mỹ, TP.HCM)

PGS.TS.Phan Trọng Lân: Hiện nay, vắc xin sốt xuất huyết vẫn còn trong giai đoạn nghiên cứu. Có ít nhất 4 công ty vắc xin đang tham gia nghiên cứu sản xuất vắc xin sốt xuất huyết.

Việt Nam là một trong các quốc gia được chọn tham gia giai đoạn III vì nước ta lưu hành sốt xuất huyết cao và Viện Pasteur TP.HCM là đơn vị thử nghiệm lâm sàng vắc xin có uy tín vì có đội ngũ nghiên cứu viên có năng lực và có quy trình nghiên cứu được đánh giá là có chất lượng từ Bộ Y tế và từ các đoàn kiểm tra quốc tế của các nghiên cứu thử nghiệm vắc xin trước đây.

Có tổng cộng 6 nghiên cứu giai đoạn III được triển khai cùng lúc trên 12 quốc gia lưu hành sốt xuất huyết của châu Á Thái Bình Dương (Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Việt nam, Úc, Ấn độ, Singapore) và Châu Mỹ La tinh (Columbia, Honduras, Braxin, Puerto Rico và Mexico). Các nghiên cứu thực hiện trên các trẻ em khỏe mạnh tình nguyện tham gia vào nghiên cứu giai đoạn III của vắc xin sốt xuất huyết. Nghiên cứu đã được Hội đồng đạo đức các quốc gia và Cục Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (US. FDA) phê duyệt và giám sát việc triển khai nghiên cứu nhằm đảm bảo sự an toàn và quyền lợi cho trẻ tham gia nghiên cứu, đồng thời đảm bảo tính khoa học và chính xác của kết quả nghiên cứu. Nghiên cứu cũng được sự quan tâm và giám sát của Tổ chức Y tế Thế giới và Viện vắc xin quốc tế (IVI).

Kết quả nghiên cứu đã đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sử phòng chống sốt xuất huyết dengue trên thế giới vì lần đầu tiên nhân loại đã phát minh ra vắc xin ngừa được bệnh sốt xuất huyết dengue và chứng minh được rằng bệnh sốt xuất huyết dengue hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng vắc xin

Kết quả nghiên cứu giai đoạn III ở châu Á và châu Mỹ La tinh cho thấy hiệu quả vắc xin sốt xuất huyết ở nhóm trẻ từ 9 tuổi trở lên đạt 66%, ngừa được 81% ca sốt xuất huyết nhập viện và 93% ca sốt xuất huyết nặng. Đối với nhóm trẻ dưới 9 tuổi, hiệu quả thấp hơn, đạt 44%, ngừa được 56% ca sốt xuất huyết nhập viện và 67% ca sốt xuất huyết nặng. Kết quả của nhóm 9 tuổi trở xuống còn cần phải theo dõi hết thời gian nghiên cứu – 5 năm sau khi tiêm vắc xin – để có kết quả đánh giá hoàn chỉnh sau cùng nhằm đảm bảo đánh giá được một vắc xin thực sự hiệu và an toàn cao.

Các phản ứng sau tiêm chủng của vắc xin sốt xuất huyết là tương đương hoặc thấp hơn so với các vắc xin đang lưu hành. Vắc xin không gây bất kỳ biến cố nghiêm trọng nào.

Dựa vào kết quả này, nhà sản xuất đang tiến hành đăng ký lưu hành sản phẩm sử dụng cho người từ 9 tuổi trở lên để ngừa bệnh sốt xuất huyết, trước hết là tại các quốc gia đã tiến hành nghiên cứu giai đoạn III, trong đó có Việt Nam.

* Việc phòng dịch sốt xuất huyết được nhà nước ta đưa ra bằng những biện pháp nào, thưa cục trưởng? (Tấn Hoài, Hà Nội)

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng: Sốt xuất huyết có ở VN từ những năm 1958, và hiện đã thành dịch lưu hành, với số mắc hàng năm từ 50-100 ngàn trường hợp, với khoảng 100 người tử vong/năm, Đặc biệt năm 1987 có số mắc trên 300 ngàn trường hợp, trên 1000 trường hợp tử vong.

Sốt xuất huyết hiện nay đang lưu hành khoảng 100 quốc gia và có xu hướng ngày càng lan rộng và là vấn đề y tế công cộng nghiêm trọng phải quan tâm. Do đó, nhà nước ta cũng đang rất quan tâm tới việc phòng chống căn bệnh này, nhằm giảm số các trường hợp mắc và tử vong đến mức thấp nhất, và hiện nay dịch cũng đã giảm nhiều so với giai đoạn những năm 1980.

Sốt xuất huyết đã được đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia về  y tế. Việc phòng chống sốt xuất huyết cũng được thủ tướng giao trách nhiệm cho UBND các cấp chỉ đạo thực hiện với sự tham mưu của ngành y tế.

Với các hoạt động cụ thể như tăng cường các hoạt động tuyên truyền để người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh, ngành y tế có trách nhiệm phát hiện sớm các ổ dịch, tổ chức phun hóa chất để xử lý ổ dịch, tích cực điều trị bệnh nhân để giảm tử vong.

VN cũng đang phối hợp với quốc tế để sản xuất vắc xin cũng như thử nghiệm các tác nhân sinh học để phòng chống dịch.

Tuy vậy, hoạt động phòng chống dịch hiện nay cũng đang gặp khó khăn do kinh phí của chương trình mục tiêu bị cắt giảm 40%, sự quan tâm của một số địa phương chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu cho công tác phòng chống dịch.

giaoluu-tt4resize-1444013842

Ông Nguyễn Đức Khoa (phải) đang trả lời câu hỏi bạn đọc trực tuyến – Ảnh: VIỆT DŨNG

* Trong điều kiện sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh thì ổ chứa bệnh thường là những vật dụng gì? Ta có thể làm gì để chống bệnh? (Lê Tiên, tienlee2015@)

– PGS.TS.Phan Trọng Lân: Lăng quăng của muỗi vằn thường sống trong các vật chứa trong nhà, ngoài nhà và khu vực công cộng. Ở TP.HCM, ổ chứa lăng quăng rất đa dạng bao gồm vât chứa nước sinh hoạt (lu, hồ, khạp, hầm nước), vật chứa nước khác (bình hoa, chậu kiểng, chân chén) và vật phế thải (vỏ xe, vỏ dừa, lon nước, vỏ hộp cơm).

Ở ngoại thành, ổ chứa lăng quăng chủ yếu là vật chứa nước sinh hoạt và vật chứa nước khác. Ở nội thành, chủ yếu là vật chứa nước khác như bình hoa, chậu kiểng, vật phế thải ở khu vực công viên, công trường xây dựng.

Đối với khu vực trọng điểm, có dịch, người dân cần phối hợp với chính quyền các cấp, mở cửa khi nhân viên đến phun hóa chất nhằm diệt hết các quần thể muỗi nhiễm, ngăn chặn lây lan dịch.

Tuy nhiên, giải pháp này chỉ diệt được muỗi trưởng thành, sau 7 ngày lại sinh ra muỗi từ lăng quăng.

Để giải quyết gốc rễ, cần phải loại bỏ lăng quăng, không để có cơ hội phát triển thành muỗi. Việc này cần sự tham gia của xã hội và cộng đồng:

1. Chính quyền các cấp chỉ đạo việc cải tạo vệ sinh môi trường, không để tồn động các vũng nước động, thu gom vật phế thải từ các nhà dân,… phát động các phong trào vệ sinh môi trường phòng bệnh.

2. Đối với cộng đồng, mỗi tuần, mỗi gia đình hãy dành 10 phút để thực hiện:

– Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên súc rửa, đậy nắp kín các lu, khạp;

– Thay nước ở các bình bông; thả muối vào chén nước kê chân chạn;

– Dọn dẹp, loại bỏ vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, không để lăng quăng phát triển, nguy cơ lan truyền bệnh SXH.

– Trong nhà: Dọn dẹp nhà cửa gọn gàng sạch sẽ, không treo quần áo bừa bộn để giảm bớt chỗ cư ngụ của muỗi; Cho trẻ mặc áo dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày; Làm lưới che cửa để hạn chế muỗi xâm nhập vào nhà; Dùng nhang xua muỗi, bình xịt diệt côn trùng, vợt điện trong những giờ cao điểm muỗi thường hoạt động (sáng sớm và chiều tối); Phun diệt muỗi trên phạm vi rộng lớn (tổ, ấp, khu phố…) chỉ thực hiện khi đúng chỉ định của cơ quan Y tế địa phương và do cơ quan y tế thực hiện.

* Những khu vực nào đang là cao điểm của dịch sốt xuất huyết hiện nay và người dân phải làm gì để phòng tránh? (Cao Thị Liên, liencao762@)

PGS.TS. Phan Trọng Lân: Việt Nam nằm ở khu vực có khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều, là điều kiện lý tưởng cho muỗi và tác nhân gây bệnh sinh sôi và phát triển quanh năm.

Nơi đâu có muỗi vằn, có lăng quăng là có nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết. Với tốc độ giao thương phát triển nhanh như hiện nay, muỗi vằn cũng di chuyển xa hơn bằng các phương tiện giao thông của con người, do đó, nơi nào có vật chứa nước sẽ trở thành nơi có nguy cơ bị lây truyền sốt xuất huyết.

Người dân ở khắp mọi miền đất nước cần cảnh giác với bệnh chứ không chỉ ở khu vực cao điểm hay điểm nóng. Mỗi cá nhân, mỗi hộ gia đình và cộng đồng cần kiên trì, thường xuyên dành 10 phút mỗi tuần để kiểm tra và phát hiện lăng quăng ở các vật chứa nước, vật linh tinh, phế thải trong nhà, quanh nhà, và khu vực công cộng, như vậy, bạn đã góp phần vào phòng ngừa sốt xuất huyết cho cộng đồng

3resize-1444014215

PGS.TS. Phan Trọng Lân cùng đồng nghiệp trả lời câu hỏi của bạn đọc – Ảnh: Thanh Đạm

* Quá tải bệnh viện năm nào cũng nghe nói. Theo các bác thì biện pháp cần có của Bộ Y tế là gì? (Lê Nam, Bắc Giang)

Ông Trần Đắc Phu: Trước tiên phải nói rằng làm tốt công tác phòng dịch nhằm giảm thấp nhất số người mắc sẽ giảm tối đa số người nhập viện. Khi đó, bệnh viện không bị quá tải trong việc điều trị các bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm.

Trong thời gian qua có sự quá tải các bệnh viện tuyến T.Ư, trong đó có bệnh nhân sốt xuất huyết. Tuy vậy, người mắc bệnh dịch có người biểu hiện nặng hoặc biểu hiện nhẹ, có người chỉ sốt đơn thuần. Nên chúng tôi khuyên rằng khi bị bệnh, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn điều trị.

Nếu bệnh nhẹ, có thể điều trị tạo tuyến dưới, không cần lên tuyến trên, nếu bệnh nặng có thể được đưa lên tuyến trên để điều trị kịp thời tránh diễn biến nặng, tử vong.

Hiện nay Bộ Y tế đang triển khai các hoạt động phân tuyến để giảm tải tuyến trên, đồng thời tập huấn cho cán bộ tuyến dưới để có đủ năng lực điều trị cho người dân.

* Theo quan niệm dân gian, đã bị sốt xuất huyết một lần rồi thì hiếm khi bệnh lại. Điều này có đúng không? (Ngọc Thùy, Bình Thạnh, TP.HCM)

PGS.TS.Phan Trọng Lân: Vi rút dengue gây bệnh sốt xuất huyết có tổng cộng 4 tuýp khác nhau. Khi nhiễm bất kỳ một tuýp vi rút dengue nào, cơ thể bạn sẽ miễn nhiễm suốt đời và không mắc bệnh lại với chỉ tuýp đó, nhưng các tuýp vi rút dengue khác thì không.

Do vậy, về lý thuyết, mỗi người có thể sẽ mắc sốt xuất huyết bốn lần trong cả đời người. Nếu một người mới mắc sốt xuất huyết lần đầu, người đó có thể còn mắc bệnh thêm ba lần nữa bởi các tuýp vi rút dengue còn lại.

* Viện Pasteur TP.HCM đã tham gia phòng chống dịch sốt xuất huyết giúp người dân bằng những cách thức, chiến lược ngắn hạn, dài hạn như thế nào? Cảm ơn ông (Trần Kim, kimkimtran@)

PGS.TS.Phan Trọng Lân: Bệnh SXH chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Phòng chống SXH là biện pháp tổng thể, kể cả khi nghiên cứu vắc xin ngừa bệnh SXH thành công thì để kiểm soát triệt để bệnh SXH vẫn rất cần sự ý thức, trách nhiệm của mỗi hộ dân, vai trò chỉ đạo của Chính quyền cơ sở và nỗ lực của Y tế trong kiểm soát sớm, hiệu quả các ổ dịch SXH, cụ thể bao gồm:

o    Đẩy mạnh truyền thông thay đổi hành vi của người dân trong việc tự áp dụng các biện pháp phòng chống SXH tại nhà.

o    Tăng cường vai trò, trách nhiệm của Chính quyền các cấp trong hỗ trợ nguồn lực, huy động Ban ngành, đoàn thể phối hợp chặt chẽ cùng ngành Y tế trong việc thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch SXH.

o    Giám sát chặt chẽ ca bệnh tại cộng đồng và đưa ra đáp ứng kịp thời để kiểm soát sớm tình hình SXH.

o    Xã hội hóa và huy động các lực lượng, nguồn lực trong việc thực hiện các biện pháp kiểm soát SXH.

o    Đầu tư nguồn lực cho ngành Y tế để thực hiện tốt các biện pháp kiểm soát dịch SXH.

Tất cả các giải pháp phòng chống sốt xuất huyết nếu chỉ có ngành y tế đơn độc thực hiện sẽ không thể kiểm soát bệnh một cách hiệu quả mà cần sự tham gia đồng bộ từ chính quyền các cấp và cộng đồng người dân dưới sự hướng dẫn kỹ thuật chuyên môn từ ngành y tế.

* Mùa sốt xuất huyết thường rơi vào tháng nào trong năm? Bệnh viện khi vào mùa có tăng cường bác sĩ hay nhân viên y tế không? Có dịch vụ bác sĩ gia đình không? (Trịnh Võ, Hà Nội)

Ông Nguyễn Văn Kính: Bệnh sốt xuất huyết Dengue đã trở thành bệnh dịch lưu hành ở nước ta nên nó xuất hiện quanh năm, tuy nhiên vào mùa mưa thì số ca mắc bệnh có vẻ tăng lên vì điều kiện cho muỗi vằn đẻ trứng sau mưa tăng.

Hiện nay khung biên chế của bệnh viện được chính phủ quy định cho nên dù có dịch hay không thì số cán bộ, nhân viên không tăng nhưng bệnh viện sẽ bố trí làm thêm ca, thêm giờ để phục vụ bệnh nhân. Hiện nay, bệnh viện chưa thực hiện dịch vụ bác sĩ gia đình.

* Nếu mùa dịch mà bị sốt xuất huyết một lần rồi thì có nguy cơ bị lại nữa không? (Phan Nhân, nhanphankhanh@)

Ông Nguyễn Văn Kính: Bạn vẫn có nguy cơ mắc lại vì sốt xuất huyết Dengue có tới 4 tuýp huyết thanh, mỗi lần có thể mắc một tuýp khác nhau.

* Nếu bị sốt

giaoluu-tt1resize-1444013842

Đại diện báo Tuổi Trẻ tặng hoa các khách mời – Ảnh: VIỆT DŨNG

xuất huyết nhưng muốn điều trị tại nhà thì có biện pháp nào? Cảm ơn ông (Long Khôi, khoilong88@)

Ông Nguyễn Văn Kính: Chỉ điều trị tại nhà đối với những bệnh nhân có triệu chứng mắc bệnh nhẹ, nếu có những dấu hiệu cảnh báo như: sốt cao liên tục 39 độ C trở lên, nhức đầu nhiều, mệt mỏi dữ dội, buồn nôn và nôn nhiều hoặc tiêu chảy, đau tức vùng gan, xuất huyết ở các niêm mạc (mắt, mũi, miệng…) thì cần phải đến ngay bệnh viện để được điều trị kịp thời.

* Tình trạng quá tải bệnh tại bệnh viện như vậy thì có đảm bảo được sức khoẻ của người bệnh? Làm thế nào để tự bảo vệ mình khi nằm viện, nhất là dịch vào cao điểm? (Thúy Hiền, Nha Trang)

– Ông Nguyễn Văn Kính: Thật sự, việc quá tải chỉ xảy ra khi người dân không có hiểu biết hoặc quá lo sợ với bệnh tật cho nên dồn hết đến một cơ sở y tế, nhất là tuyết trung ương mới dẫn đến quá tải. Đối với sốt xuất huyết chỉ những trường hợp nặng, bị sốc mới cần phải nằm điều trị tại tuyến trung ương, những trường hợp khác hoàn toàn có thể nằm ở tất cả các bệnh viện các tuyến để điều trị.

 Vấn đề là phải xác định được sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo nặng hay không để chuyển đúng tuyến để tránh được quá tải. Bộ Y tế đã có hướng dẫn chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue rất chi tiết để các cơ sở y tế tuân thủ nên dù điều trị ở đâu bạn vẫn có thể đảm bảo được sức khỏe trừ trường hợp bị sốt mà đến bệnh viện quá muộn mà không kịp cứu chữa.

Để tránh phải nằm viện khi dịch vào cao điểm, tốt nhất bạn áp dụng tốt các biện pháp dự phòng cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, thực hiện phòng bệnh hơn chữa bệnh, không có loăng quăng (bọ gậy) thì không có sốt xuất huyết.

* Phòng kiểm soát bệnh truyền nhiễm có chức năng cụ thể như thế nào khi dịch bệnh sắp xảy ra? Xin ông nói rõ với sốt xuất huyết thì Phòng sẽ làm gì có ích nhất cho người dân, thưa ông? (Bảo Quốc, quocbaoye@)

Ông Nguyễn Đức Khoa: Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và Phòng Kiểm dịch y tế biên giới là 2 phòng chức năng có nhiệm vụ giám sát, tham mưu, thực hiện các biện pháp kiểm soát sự xâm nhập dịch bệnh từ các nước vào VN và sự bùng phát lan rộng của các dịch bệnh trong nước.

Đối với dịch bệnh sốt xuất huyết, Phòng thực hiện nhiệm vụ giám sát nhằm phát hiện sớm các khu vực có nguy cơ xảy dịch để triển khai các biện pháp chủ động phòng chống dịch.

Đồng thời phối hợp xây dựng các tài liệu hướng dẫn cho cán bộ y tế, khuyến cáo cho người dân các biện pháp phòng chống dịch bệnh, tham mưu cho Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tại địa phương.

* Sự khác biệt giữa sốt xuất huyết ban đầu khác với sốt thường như thế nào? Làm sao để nhận biết được sớm nhất để đưa người bệnh đến bệnh viện kịp thời? (Lê Thanh, Nam Định)

Ông Nguyễn Đức Khoa: Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus truyền, mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh.

Sốt xuất huyết là có sốt và xuất huyết, sốt trong sốt xuất huyết cóđaặc điểm là sốt cao đột ngột, kèm theo đau đầu, buồn nôn, nôn, đau khớp, đau khắp mình mẩy, có thể kèm theo xuất huyết như nốt, mảng bầm tím dưới da, chảy máu chân răng, máu cam, kinh nguyệt, đi ngoài ra máu, xuất huyết nội tạng, nhưng đây chỉ là các trường hợp điển hình, bởi có rất nhiều trường hợp sốt xuất huyết không đau mình mẩy và không có xuất huyết.

Tuy vậy điểm đáng sợ nhất ở bệnh nhân sốt xuất huyết là chuyển sốc rất nhanh và dẫn đến tử vong nhanh. Vì vậy người dân không nên phân biệt sốt nào là sốt xuất huyết, sốt nào không, mà khi bị sốt thì nên đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn điều trị, tránh tình trạng nặng mới đến bệnh viện và có thể chuyển biến nặng không lường trước được.

* Xin chi biết sự khác nhau giữa sốt xuất huyết  và sốt xuất huyết D là gì? (My My, An Giang)

Ông Nguyễn Đức Khoa: Sốt có kèm theo xuất huyết có thể do rất nhiều nguyên nhân gây ra như sốt xuất huyết Dengue, sốt xuất huyết do Ebola, sốt xuất huyết do virut Hanta…

Vì vậy, sốt xuất huyết Dengue là chỉ bệnh sốt xuất huyết do vi rút Dengue gây ra nhưng ở Việt Nam thường không gặp các sốt xuất huyết do các tác nhân khác nên người dân quen gọi sốt xuất huyết Dengue bằng tên ngắn gọn là sốt xuất huyết.

* Sốt xuất huyết có được ăn thức ăn cứng và chua không? Mẹ cháu suốt ngày bắt cháu ăn cháo khi bị sốt, rất ngán. (Trường Thi, Quy Nhơn)

Ông Nguyễn Đức Khoa: Thực ra thì không cần kiêng thực phẩm cũng không phải kiêng tắm, nhưng bệnh nhân sốt xuất huyết cũng như nhiều loại bệnh khác nên ăn các thực ăn dễ tiêu, bổ dưỡng, dễ ăn vì những ngày sốt, ốm rất mệt mỏi, người bệnh thường không muốn ăn uống khiến sức khỏe càng suy giảm.

* Tôi xin hỏi ông Nguyễn Đức Khoa việc triển khai phòng chống sốt xuất huyết tại nhà được cụ thể hóa như thế nào? Đến nay đã có gì chứng minh tính hiệu quả chưa? (Yên Lành, Tiền Giang)

Ông Nguyễn Đức Khoa: Phòng chống số xuất huyết hiệu quả nhất là thực hiện các biện pháp phòng chống tại các hộ gia đình. Do bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh nên biện pháp quan trọng là phòng chống muỗi đốt và diệt trừ muỗi.

Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết hay đẻ trứng tại các dụng cụ chứa nước sạch như: bể nước, chum, vại, lu, khạp, các vật chứa nhỏ như lọ hoa, bát kê chân chạn, các vật phế thải như chai lọ, vỏ dừa, lốp xe… Nên việc diệt muỗi cần sự tham gia của mỗi hộ gia đình. Cụ thể:

–  Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

–  Hằng tuần, thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng (bọ gậy) bằng cách thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước vào bình hoa; bỏ muối, dầu hoặc hóa chất diệt ấu trùng vào bát nước kê chân chạn, ổ nước đọng…

–  Hằng tuần, loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá…

– Ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

– Tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng chống dịch.

– Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Dịch sốt xuất huyết đang vào giai đoạn đỉnh dịch của năm 2015, với rất nhiều thay đổi so với các mùa dịch trước: Bùng phát tại nhiều TP lớn ở miền bắc, đặc biệt là ở Hà Nội, đồng thời gia tăng mạnh tại TPHCM và nhiều tỉnh miền Nam, miền Trung.

Tổng số ca mắc sốt xuất huyết cho đến thời điểm này là khoảng 40 ngàn ca, trong đó có 25 ca tử vong. Không phải là căn bệnh lạ, nhưng sốt xuất huyết khá dai dẳng gây những tác hại không nhỏ đến sức khỏe và đời sống người dân.

Tại một số bệnh viện ở Hà Nội và TPHCM đang có tình trạng quá tải bệnh nhân sốt xuất huyết.

Từ 9g sáng 5-9, Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Bộ Y tế tổ chức cuộc giao lưu trực tuyến “Phòng chống sốt xuất huyết như thế nào là hiệu quả?”.

Nội dung xoay quanh cách phòng chống dịch sốt xuất huyết, đặc biệt là ở đô thị trong giai đoạn dịch bùng phát mạnh hiện nay: Ổ chứa sốt xuất huyết mới là những vật dụng thường gặp trong các gia đình đô thị như bình hoa, bình trồng cây thủy sinh… thì chống dịch như thế nào? Dấu hiệu nào đặc trưng của bệnh sốt xuất huyết? Vì sao người trưởng thành mắc sốt xuất huyết lại gia tăng mạnh trong 5 năm gần đây…

* Các khách mời Hà Nội:

1, Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

2, Ông Nguyễn Văn Kính, GĐ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư

3, Ông Nguyễn Đức Khoa, Phó trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng

* Khách mời tại TPHCM:

1, PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM

Nguồn : Tuoitreonline


Các bài viết khác trong mục Tin chuyên ngành