Những lưu ý khi dùng thuốc

Các bạn đã thực sự biết cách uống thuốc? Rất nhiều người nghĩ đơn giản rằng, chỉ cần cho thuốc vào miệng, uống nước là xong. Có người lại cho rằng uống nước hay không, tán cho vỡ vụn hoặc nhai, nuốt đều được, miễn là thuốc có thể đi vào cơ thể. Còn bạn thì sao?

uống thuốc đúng cách
Bạn đã uống thuốc đúng cách
Trong sử dụng thuốc, cách dùng phổ biến nhất là đường uống. Thuốc dành cho đường uống có 2 loại: Dạng lỏng gồm sirô, nhũ dịch (emulsion), hỗn dịch (suspension), thuốc uống nhỏ giọt (gouttes); Dạng rắn gồm thuốc đóng gói (sachet), thuốc cốm (granules), thuốc viên. Riêng thuốc viên lại chia ra: viên nén trần, viên nén bao (vỏ bọc là đường hoặc lớp phim mỏng), viên nhộng (còn gọi là viên nang, capsule, gélule).

Cách sử dụng thuốc viên

– Uống nuốt cả viên với nước, tốt nhất là dùng nước đun sôi để nguội.

– Hòa tan hoàn toàn trong nước và uống (như viên nén sủi bọt).

– Nhai nát trước khi uống: có dạng viên khá lớn, thường là thuốc kháng acid, dùng trị chứng dư acid, viêm loét dạ dày.

Có một số người nghĩ rằng thuốc dạng viên uống khi vào dạ dày sẽ tan rã và được nghiền thành bột nên đã bẻ thuốc ra nhiều mảnh nhỏ, thậm chí tán nhỏ, cà nhuyễn hoặc mở viên nang để lấy bột uống. Hai đối tượng thường làm việc này là các cụ già và trẻ em (vì vấn đề nuốt có khó khăn). Ngay cả một số thầy thuốc, nhân viên y tế cũng hướng dẫn chia nhỏ viên thuốc để dễ uống hoặc phân liều, dùng liều nhỏ hơn theo yêu cầu điều trị.

Tuy nhiên, cần lưu ý, có một số trường hợp uống thuốc viên cần phải nuốt trọn, nguyên vẹn, không được phân nhỏ hoặc mở vỏ nang chỉ để lấy bột, vi hạt đem sử dụng. Việc phân nhỏ, cà nhuyễn, mở vỏ nang không chỉ làm giảm chất lượng điều trị của thuốc mà còn có thể gây tai biến do thuốc. Có 2 loại thuốc viên cần uống nguyên vẹn cả viên, đó là thuốc bao tan ở ruột (như Aspirin pH8, Zymolex), thuốc cho tác dụng kéo dài (như Adalate LP).

Một số điều nên và không nên khi sử dụng thuốc viên dạng uống

Nên

– Hỏi kỹ bác sĩ, dược sĩ về cách dùng thuốc theo đúng chỉ định về số viên, số lần dùng thuốc trong ngày, số ngày trong đợt điều trị.

– Nếu có bảng hướng dẫn, nên đọc kỹ trước khi dùng thuốc để biết: nên nhai, ngậm, lắc lọ thuốc, hòa viên thuốc trong nước cho tan trước khi uống, nên uống thuốc trước, sau, cách xa bữa ăn, tác dụng phụ (thuốc có thể làm nước tiểu hoặc phân có màu, gây buồn ngủ) để bệnh nhân an tâm dùng thuốc và tránh tai nạn.

– Đọc kỹ tên thuốc để tránh nhầm lẫn và có thể để biết dạng thuốc. Sau tên thuốc, lưu ý chữ viết tắt cho biết dạng thuốc “cho tác dụng kéo dài” hoặc “cho tác dụng lập lại, tác dụng chậm” như: Adalate LP (LP: Libération Prolongée), Procan SR (SR: Sustained – Released), Adalat LA (LA: Long Acting, Libération Allongée), Adalat Retard, Polaramine Repetabs (Repetabs: Repeat – Action Tablets), vì các dạng thuốc cho tác dụng đặc biệt này không được nhai, bẻ nhỏ hoặc mở viên nang. Đặc biệt, dạng thuốc này chứa liều cao hơn dạng thuốc thông thường nên phải dùng đúng số viên, số lần trong ngày theo chỉ định, nếu uống sai có thể gây quá liều nguy hiểm.

– Nên dùng tay sạch và khô cầm thuốc.

– Nên ngồi hay đứng uống thuốc, không nên nằm vì làm thuốc khó di chuyển xuống dạ dày và có thể dính lại ở thực quản. Có thuốc được hướng dẫn kỹ: “Nếu uống vào buổi tối trước khi đi ngủ, phải uống 30 phút trước khi lên giường nằm ngủ” (như thuốc trị loãng xương Actonel).

– Nên uống thuốc với nhiều nước (đã có trường hợp bệnh nhân nuốt viên nang mà không uống nước, viên nang dính vào thực quản, thuốc phóng thích làm hại niêm mạc thực quản).

– Nước dùng để uống thuốc nên là nước đun sôi để nguội (có thuốc kỵ uống với sữa như: Tatracylin, Doxycycline; Thuốc kỵ với nước quả chua: Erythromycin; Thuốc kỵ với nước trà: thuốc bổ có chứa sắt).

– Đối với người cao tuổi dễ bị lầm lẫn nên có người thân trẻ tuổi giữ thuốc và đưa thuốc khi dùng.

Không nên

– Không nhai hay ngậm thuốc, trừ khi được bác sĩ hướng dẫn.

– Không bẻ nhỏ viên thuốc (thuốc cho phép bẻ sẽ có khắc rãnh trên viên thuốc), không cà nhuyễn, không mở viên nang. Nên hỏi dược sĩ ở nhà thuốc, nếu được phép chia nhỏ viên thuốc để chia liều theo chỉ định hoặc cho dễ uống, dùng khăn giấy sạch bọc viên thuốc để bẻ hoặc dùng dao khô, sạch để cắt.

– Không nên ngưng, bỏ thuốc hoặc uống thêm thuốc khác khi chưa có ý kiến của bác sĩ, dược sĩ.

– Không nên lấy thuốc viên nén dành cho người lớn bẻ nhỏ ra để phân liều và sau đó cà nhuyễn (hoặc dùng dụng cụ nghiền thuốc) thành bột cho trẻ uống. Đối với trẻ, dạng thuốc lỏng là thích hợp hơn cả; Đó là sirô (sirop), hỗn dịch (còn gọi là dịch treo, suspension), thuốc uống nhỏ giọt (gouttes). Hoặc cũng có thể dùng dạng thuốc bột đóng gói (sachets), thuốc cốm (granules), thuốc viên sủi bọt. Thực chất, các thuốc này được pha vào nước thành dung dịch trước khi uống. Đối với trẻ sơ sinh, còn có dạng thuốc thường được dùng là thuốc đạn đặt trong hậu môn.

Một số điều cần lưu ý khi dùng thuốc cho trẻ nhỏ

– Không nên để trẻ nằm ngửa hoàn toàn khi cho uống thuốc, nên nằm hơi dốc tạo góc 45o so với mặt phẳng nằm ngang. Không nên bóp mũi trẻ để đổ thuốc.

– Nếu trẻ bị ói mửa ngay sau khi uống thuốc, có thể cho uống liều khác thay thế liều mất đi do nôn. Nhưng nếu trẻ ói mửa sau 10 phút hoặc hơn sau khi uống thuốc, không nên cho uống liều bù thay thế vì thuốc có thể đã được hấp thu. Nếu trẻ bị ói mửa nhiều, nên báo cho bác sĩ biết để dùng dạng thuốc khác.

TS. DS. NGUYỄN HỮU ĐỨC (Đại học Y Dược TPHCM)

Nguồn: Tuổi Trẻ

 


Các bài viết khác trong mục Tư vấn sức khỏe