Bệnh dạ dày và những điều cần biết

Đau dạ dày là bệnh lý về đường tiêu hóa, đây là biểu hiện của dạ dày bị tổn thương dẫn đến những cơn đau khó chịu, âm ỉ cho người bệnh, nhất là những lúc bụng quá no hoặc quá đói. Nếu bệnh tiến triển lâu ngày mà người bệnh không đi khám có thể dẫn đến trường hợp xấu là ung thư dạ dày.

Bệnh đau dạ dày những điều cần biết

Thống kê cho thấy, mỗi năm Việt Nam có trên 15.000 ca mới được chẩn đoán ung thư dạ dày và hơn 11.000 ca tử vong vì bệnh này. Đại đa số bệnh nhân ung thư dạ dày khi đau quá không chịu được, gầy sút nhanh mới đến viện khám thì đã ở giai đoạn nguy hiểm, nên tiên lượng rất xấu, chỉ có 15% bệnh nhân sống thêm được 5 năm. Đây là bệnh ung thư phổ biến hàng thứ 2 trong số 10 loại ung thư nguy hiểm thường gặp tại nước ta. 

 Căn bệnh của xã hội hiện đại

Cuộc sống ngày nay với bộn bề công việc, lo lắng đã khiến chúng ta không còn thời gian để quan tâm chăm sóc sức khỏe bản thân, dẫn tới dễ mắc các bệnh tưởng như đơn giản nhưng thật ra không phải vậy. Một trong số những bệnh phổ biến và dễ mắc nhất hiện nay đối với tất cả mọi người đó chính là bệnh đau dạ dày.

Các bệnh của dạ dày hay gặp:

– Rối loạn chức năng dạ dày

– Hội chứng kém hấp thu

– Viêm dạ dày (cấp và mãn tính)

– Loét dạ dày tá tràng

– Ung thư dạ dạy, thủng dạ dày, xuất huyết tiêu hóa

– Hẹp môn vị

Những bệnh liên quan đến dạ dày luôn tiềm ẩn nguy cơ ung thư, nhưng những biểu hiện của bệnh đau dạ dày với ung thư dạ dày khó phát hiện nên nhiều người nhầm tưởng chỉ là đau dạ dày đơn thuần nên chủ quan. Triệu chứng lâm sàng của 2 bệnh đều là đau rát vùng thượng vị, đầy bụng, khó tiêu, chỉ chẩn đoán phân biệt khi nội soi dạ dày để quan sát tổn thương và lấy mẫu tế bào sinh thiết, làm các xét nghiệm khác.

 Triệu chứng

Đau bụng tại vị trí thượng vị

Đây là dấu hiệu cơ bản của bệnh và thường có ở tất cả những người mắc bệnh lý tá tràng. Người bệnh bị đau thượng vị có thể đau vùng dưới hoặc cách xa mũi ức. Cảm giác đau thường là tùy người, đau âm ỉ, tức bụng, nóng rát khó chịu….nhưng không có cảm giác đau quằn quại và cơn đau thường xảy đến khi cơ thể quá đói hoặc quá no.

Rối loạn tiêu hóa

Ăn uống kém: Người có biểu hiện này có thể kém ăn do hệ tiêu hóa không tiêu, tức bụng, căng bụng, dẫn đến ăn không ngon, kém ăn. Lưu ý những người có biểu hiện kém ăn không phải ai cũng mắc bệnh dạ dày, mà đây có thể do các bệnh lý khác liên quan đến hệ tiêu hóa như nhiễm khuẩn, đặc biệt là rối loạn tâm thần.

Ợ chua, ợ hơi: đây là dấu hiệu quan trọng của bệnh đau dạ dày do sự vận động của dạ dày bị rối loạn làm thức ăn khó tiêu dẫn đến lên men và sinh ra ợ hơi. Bệnh nhân có thể bị ợ hơi, ợ chua, ợ lên nửa chừng và kèm theo đó là các dấu hiệu đau sau mũi ức hoặc sau xương ức (dấu hiệu đau thượng vị). Đôi khi kèm theo đại tiện táo lỏng xen kẽ.

Buồn nôn và nôn

Là hiện tượng các thức ăn bị đẩy ra ngoài qua đường miệng, nếu việc này xảy ra thường xuyên sẽ dẫn đến các hiện tượng như rách thực quản, rách niêm mạc thực quản vùng tâm vị dẫn đến chảy máu (hội chức Mallori weiss). Ngoài ra, khi nôn nhiều cơ thể sẽ bị lâm vào tình trạng bị mất nước và kéo theo là tụt huyết áp. Triệu chứng này là biểu hiện của các bệnh có liên quan tới dạ dày gây ra nôn như: viêm dạ dày cấp, loét dạ dày tá tràng, ung thư dạ dày, hẹp môn vị, chảy máu dạ dày.

Chảy máu tiêu hóa

Chảy máu tiêu hóa hay còn gọi là chảy máu dạ dày là hiện tượng máu thoát ra khỏi thành mạch và chảy vào lòng ống tiêu hóa. Biểu hiện này rất nguy hiểm, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng cho con người trong thời gian ngắn, vài giờ, thậm chí có thể trong vài phút. Chính vì thế, cần đưa người bệnh có triệu chứng này đến các cơ sở y tế ngay để được điều trị. Những biểu hiện cơ bản dễ nhận thấy của chảy máu tiêu hóa là như bị nôn ra máu đỏ tươi, máu đen hoặc đi ngoài ra máu. Khi người bệnh có hiện tượng này là do những bệnh lý về dạ dày như loét dạ dày tá tràng, ung thư dạ dày…

Nguyên nhân

Có nhiều giả thuyết về nguyên nhân gây viêm loét dạ dày tá tràng nhưng chưa có nguyên nhân nào là chắc chắn. Bên cạnh đó vẫn có một số nguyên nhân chính sau:

– Theo Guttman cho rằng tác nhân duy nhất là do HCL

– Yếu tố thần kinh (căng thẳng thần kinh – stress)

– Do ăn uống, thức ăn quá nóng, lạnh, rượu bia, thuốc lá, café

– Sử dụng các thuốc: Aspirin, corticoide, Hạ áp, giảm đau, hóa chất

– Các bệnh nhiễm trùng: viêm đại tràng mãn, sỏi túi mật, bệnh nội tiết

– Tuy nhiên 80% do vi khuẩn Helicobacter Pylory (HP)

– Ngoài ra còn yếu tố gia đình: gia đình có người từng mắc các bệnh dạ dày

Một số biến chứng và điều trị

Biến chứng

Điều trị đầy đủ tốt sẽ khỏi hoàn toàn.

Điều trị không tốt, không theo chỉ định của bác sĩ sẽ tái đi tái lại và biến chứng như:

– Xuất huyết tiêu hóa, hẹp môn vị, thủng dạ dày

– Ung thư dạ dày (biến chứng nguy hiểm nhất, tử vong cao)

Dự phòng và điều trị

Để tránh mắc các bệnh dạ dày chúng ta nên chú ý một số điểm như sau:

– Ăn uống đúng giờ, hợp vệ sinh, đầy đủ chất.

– Không dùng hoặc hạn chế các chất kích thích.

– Không hút thuốc là và uống rượu bia.

– Điều trị triệt để các bệnh nhiễm trùng khác.

– Phát hiện bệnh thật sớm để điều trị tích cực.

Điều trị bệnh dạ dày :

– Khi có vi khuẩn HP bạn cần điều trị bằng thuốc kháng sinh, các loại thuốc giảm đau, giảm tiết theo đúng liều chỉ định của bác sỹ điều trị.

– Cần được nghỉ ngơi, giảm áp lực công việc (nhất là đối với người đau dạ dày do stress)

– Ăn uống đúng giờ đầy đủ chất, không ăn những chất cay chua gây khó chịu cho dạ dày.

– Sử dụng thực phẩm chức năng để hỗ trợ, giúp giảm tác dụng phụ của thuốc trong quá trình điều trị, giúp cho phục hồi sức khỏe, lành các tổn thương niêm mạc dạ dày.

Nguồn: Dược sỹ Phan Thu Anh


Các bài viết khác trong mục Tư vấn sức khỏe