Cách chống sốc nhiệt khi di chuyển dưới trời nắng nóng

Hà Nội và miền Bắc đang trong đợt nắng nóng gay gắt tới 39- 40 độ C. Nếu phải làm việc ngoài trời hay di chuyển lâu trên đường, bạn hãy làm theo những cách chúng tôi gợi ý dưới đây để chống bị say nắng và sốc nhiệt.

nang

Những người thường xuyên lao động ngoài nắng nên chọn các loại quần áo có tác dụng thoát nhiệt. Ảnh: Chí Cường

Nước nào nên uống trong ngày nắng nóng?

Theo bác sĩ Duy Anh (Bệnh viện E Hà Nội), bình thường mỗi ngày bạn cần uống 2,5 lít nước. Nhưng nếu bạn phải di chuyển nhiều trên đường hay làm việc ngoài trời thì cần bổ sung thêm nhiều nước hơn. Tốt nhất là uống các loại nước có tác dụng thanh nhiệt, giải nóng như nước chè xanh, trà đá, nước hoa quả, ăn hoa quả mọng nước (doi, bưởi, dưa hấu…).

GS.TS Nguyễn Tiến Dũng (nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai) tư vấn: Những ngày nắng nóng muốn giúp cơ thể tránh cảm nắng, chống nóng, ngoài việc các bạn nên ăn nhiều hoa quả giàu vitamin A, C, E cần tăng cường ăn nhiều thực phẩm chứa selen. Đây là vi lượng rất cần cho cơ thể lúc nắng nóng, có nhiều trong thịt, tôm cua, sò, ốc, rau xanh, thực phẩm giàu protein.

Chị Thu Hoài (ở Đội Cấn, Hà Nội) cho biết, các thành viên trong gia đình chị nhiều người phải làm việc ngoài trời nên những ngày nắng nóng như mấy hôm nay, tối nào mẹ chị cũng ninh một nồi đỗ đen sau đó chắt nước đỗ đen vào các chai lavie cho mọi người mang đi làm. Nước đỗ đen ninh lần đầu có vị hơi chát, nhưng uống giải mát rất dễ chịu. Nếu cho thêm mấy hạt muối (ít muối, vừa đủ cảm nhận có vị muối), thì nước đỗ đen càng ngon và có tác dụng tốt cho cơ thể.

Ngoài nước đỗ đen, tùy vùng miền còn có nhiều loại nước giải nhiệt chống nóng tốt như nhân trần, trinh nữ, giảo cổ lam, chè tươi… có thể mang theo ngoài trời nắng nóng không sợ bị thiu, giải nóng rất tốt. Riêng nước nhân trần cho thêm cam thảo vào cho thơm ngọt, nhưng nên cho ít bởi nếu nhiều cam thảo sẽ làm khô họng, gây viêm họng. Các loại nước chống nóng giải nhiệt khác đơn giản, dễ kiếm hơn là rau má, sài đất… nhưng cái loại nước này không để được lâu.

Anh Nguyễn Đức (ở Bạch Mai, Hà Nội) chia sẻ, để chống chọi với nắng nóng bằng cách lấy một bình nước, pha thêm chút muối nhàn nhạt, rồi vắt thêm nửa quả chanh và thả cả vỏ nửa quả chanh vào chai nước. Đi đường thỉnh thoảng không khát cũng nhấp uống một ngụm, có tác dụng giải nhiệt, tiếp khoáng cho cơ thể rất tốt.

Những người chuyên tập thể thao ở ngoài trời nắng lại có kinh nghiệm cứ 1 – 2 giờ lại dùng nước thoa tay chân, rửa mặt, gáy để làm mát cơ thể, giảm sốc nhiệt. Khuyến khích bổ sung đồ uống thể thao giàu chất điện giải trong các đợt nóng. Để giảm bớt tiền mua các loại nước uống dành riêng cho người chơi thể thao, mỗi buổi tập nên dừng nghỉ vài lần để uống nước giải nhiệt, hay uống là nước chè xanh.

Không nên mặc đồ bó sát

Nếu di chuyển nhiều trên đường, bạn nên mặc các loại quần áo vải mát, có tác dụng thoát nhiệt như vải cotton, vải lanh không nên chạy theo thời trang mà “xài” quần bò bó, dáng body… vì sẽ làm da nghẹt thở, đổ mồ hôi nhiều và nhớp nháp, dẫn đến mất nước, khó chịu. Cần dùng đồ rộng, nhẹ và sáng màu. Tránh các màu rực rỡ, đen, thẫm màu vì sẽ gây hấp nhiệt và nóng hơn.

Với những người phải lao động ngoài trời nên đắp thêm chiếc khăn mặt dày tẩm đẫm nước ở gáy – nơi tập trung nhiều đầu mối dây thần kinh để vừa có tác dụng chống nắng xối vào gáy, giải nóng, tránh sốc nhiệt (nhất là khi nhiệt độ ngoài trời từ 390C trở lên).

Ở ngoài trời nắng nóng lâu rất dễ rơi vào tình trạng rối loạn liên quan tới nhiệt, tổn thương do nhiệt (nhất là người có bệnh mãn tính về tim, phổi, thận, béo phì, thiếu cân, cao huyết áp, tâm thần, nghiện rượu, bỏng nắng, dễ bị sốt…). Đặc biệt những người bị tiểu đường có nguy cơ cao bị các rối loạn liên quan tới nhiệt nhưng lại hay coi thường nguy cơ khi nắng nóng.

Nếu đang ở ngoài trời nắng nóng, bỗng cảm thấy đau đầu, xây xẩm mặt mày, da đỏ, môi khô nóng, chuột rút, nôn, nhịp thở nhanh và nông, mất phương hướng, lú lẫn, co giật, nóng mà không vã mồ hôi… thì hãy nghĩ ngay là bị nắng nóng làm tổn thương nhiệt, cần báo ngay cho người khác biết để được giúp đỡ kịp thời.

Mọi người nếu thấy người bị tổn thương do nhiệt cần:

– Gọi ngay cấp cứu 115 để đưa đi bệnh viện.

– Trong khi chờ đợi, đưa nạn nhân vào chỗ mát, cởi bớt phụ kiện không cần thiết.

– Lau khăn ướt, phủ khăn ẩm, vẩy nước mát lên người họ.

– Áp túi nước đá vào nách, bẹn, cổ và lưng bệnh nhân (như sơ đồ) để giảm nhiệt cơ thể nhanh.

Lưu ý:

– Nắng nóng nếu thấy nước tiểu sẫm màu hơn là dấu hiệu mất nước. Hãy bổ sung nước để nước tiểu có màu trong.

– Tránh đồ ăn, thức uống có cafein, chất có cồn vì làm cơ thể mất nhiều dịch và trầm trọng hơn tình trạng rối loạn liên quan tới nhiệt.

– Bổ sung muối, chất điện giải bằng đồ uống thể thao và các loại nước hoa quả.

– Không uống nước quá lạnh vì dễ bị đau bụng.

– Tắm nước mát hoặc vỗ nước mát lên mặt, tay, chân… cho dễ chịu.

Nguồn: Hà Dương – Báo Gia đình & Xã hội


Các bài viết khác trong mục Tư vấn sức khỏe