Đuối nước, ngạt nước là tai nạn rất hay gặp trong ngày hè, trong đó, nhiều trường hợp tử vong rất đáng tiếc vì không được cấp cứu đúng cách. BS nội trú Nguyễn Bảo Nam, Trưởng khoa Cấp cứu biển, Viện Y học biển Việt Nam hướng dẫn cách cấp cứu người bị đuối nước.
BS Nam cho biết, khi gặp người đuối nước, quan trọng nhất phải vớt nạn nhân lên càng sớm càng tốt. Vì nếu để đuối nước quá lâu, 5 – 6 phút khả năng cứu được nạn nhân rất thấp. Đồng thời vừa tiến hành cấp cứu, vừa kêu gọi sự hỗ trợ từ y tế, từ những người xung quanh bởi nếu chỉ một người cấp cứu sẽ rất đuối sức, thậm chí đến mệt lử mà bỏ cuộc không cấp cứu đến cùng được cho người bệnh.
“Việc đầu tiên khi đưa nạn nhân lên khỏi mặt nước, nếu bệnh nhân bất tỉnh phải tìm mọi cách ép, dốc lượng nước đã vào phổi nạn. Nếu đủ khỏe, có thể vác nạn nhân lên vai, dốc ngược họ xuống, dưới lực hút trái đất làm nước từ trong phổi chảy ra. Trong trường hợp không đủ khỏe ta có thể để bệnh nhân nằm ngửa hoặc xấp, sử dụng phương pháp ép bụng ( còn gọi là phương pháp Heimlich) để đẩy nước ra khỏi phổi nạn nhân”, BS Nam hướng dẫn.
Theo đó, bước qua chân nạn nhân để tạo thế đứng vững hai bên, sau đó dùng tay ép mạnh vào vùng phù nước ngay dưới cơ hoành nhằm mục địch tạo áp lực đẩy nước ra ngoài. “Tuy nhiên cần lưu ý, chỉ ép bụng gần 1 phút, sau đó phải tiến hành ngay việc hồi sinh tim phổi cho bệnh nhân, bởi bệnh nhân đã bị ngừng tim do ngạt nước quá lâu”, BS Nam lưu ý.
Cụ thể, sau gần 1 phút ép bụng dù có thấy nước trào ra khỏi miệng hay không, cũng cần thay đổi tư thế, ngồi sang một bên sát người bệnh để làm ép tim. Đặt tay không thuận lên 1/3 dưới xương ức, đặt tay thuận lên ép theo hướng thẳng đứng, ít nhất 100 lần/phút. Cứ 30 nhát ép tim làm 2 động tác thổi ngạt rồi lặp đi lặp lại liên tục đến khi bệnh nhân tỉnh được.
Trong trường hợp nếu có hai người cấp cứu sẽ thuận lợi hơn, cứ một người ép tim 30 nhát thì dừng lại cho người kia thổi ngạt 2 cái rồi lại ép tim, cứ vậy làm luân phiên nhau đến khi bệnh nhân tỉnh được.