Ngứa, chọn thuốc gì?

Ngứa là triệu chứng của nhiều bệnh ngoài da hoặc toàn thân. Nếu ngứa nhẹ có thể quên đi khi tập trung làm một việc gì đó nhưng có khi nặng, dai dẳng ảnh hưởng tới sinh hoạt và công việc cần phải dùng thuốc điều trị…

Ngứa, chọn thuốc gì?
Khi bị ngứa nhiều cần đến bác sĩ điều trị và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Calamin: Là hỗn hợp oxid kẽm (ZnO) kết hợp với 0,5% oxid sắt (Fe2O3) dùng để chống ngứa nhẹ, tại chỗ, do bị chàm, thủy đậu, cháy nắng, phát ban, do côn trùng cắn đốt, do chất độc trong cây sồi, cây thường xuân, cậy thù du.

Crotamiton: Là thuốc kháng khuẩn, ký sinh trùng; song có tính chống ngứa nhanh, duy trì hiệu quả trong vòng 6 giờ. Thuốc còn diệt được cái ghẻ, kháng liên cầu, tụ cầu khuẩn, nên dùng trị ghẻ ngứa bị bội nhiễm có mủ. Dạng cream, thấm tốt khi thoa nhẹ, không có chất mỡ, không để lại vết bẩn.

Không dùng thuốc cho người có thai, không bôi thuốc lên núm vú và xung quanh (ở phụ nữ đang cho con bú), tránh để thuốc tiếp xúc với niêm mạc mắt (nếu vô ý dây vào thì phải rửa sạch ngay). Không dùng dạng cream trong các bệnh da cấp tính có tiết dịch, không bôi lên vết thương (vì sợ thuốc ngấm sâu vào bên trong)…

Kháng histamin, corticoid uống: Trong chứng ngứa do bệnh toàn thân hay chứng ngứa do các bệnh ngoài da có yếu tố gây dị ứng (như chàm, liken do tạng dị ứng) thì nên uống kháng histamin, corticoid uống làm dịu ngứa.

Về kháng histamin, nên dùng kháng histamin H1 thế hệ mới như loratadin, cetririzin, fexoterfenadin, ebastin… Tùy theo bệnh và sự đáp ứng từng người mà chọn loại thích hợp. Chẳng hạn trong đa số người bị liken phẳng thường dùng estating, fexoterfenadin thường cho kết quả tốt.

Đối với corticoid, có thể dùng prednisolon, mehylprednisolon, betamethason và chỉ dùng cả tổng liều trong ngày vào một lần duy nhất vào buổi sáng.

Corticoid dùng ngoài: Các chứng ngứa do bệnh ngoài da như viêm da dị ứng, viêm da do thần kinh (liken đơn mạn, liken phẳng), chàm (kể cả chàm đồng xu, chàm ở tay và viêm da dạng chàm), tổ đỉa, viêm da tăng tiết bã nhờn ở đầu, vảy cá thông thường và các dạng vảy cá khác, vảy nến (ngoại trừ dạng vảy nến lan rộng), lupus ban dỏ hình đĩa, phản ứng dị ứng da do tiếp xúc… có thể dùng corticoid. Chỉ dùng corticoid cho người có đáp ứng với corticoid đó, nếu thử không thấy đáp ứng thì không nên dùng. Khi dùng bôi một lớp corticoid mỏng lên da ngày vài lần, nếu bôi dày, bôi nhiều lần, kéo dài thì sẽ bị tác dụng phụ của corticoid và các thành phần phối hợp.

Corticoid đơn, thường chọn là clobetasol propionat 0,05% là loại mạnh, có hiệu quả cao, ít gây tác dụng phụ.

Corticoid kép thường có hai loại: Loại thứ nhất là dạng mỡ kết hợp betamethasol với salicylic acid được chỉ định khi có các biểu hiện viêm da, tăng sừng hóa, khô da. Loại thứ hai là dạng cream kết hợp betamethasol với clotrimazol, gentamicin được chỉ định khi có dấu hiệu nghi ngờ có thể bị nhiễm khuẩn hoặc nấm.

Khi dùng cần chú ý, không dùng sai chỉ định (do chú ý đến betamethson, quên thành phần phối hợp); Không dùng sai dạng bào chế, với bệnh mạn, da khô ráo, hóa sừng phải dùng dạng mỡ có “độ đặc” nhất định, hoạt chất mới thấm vào da có hiệu lực. Với bệnh cấp, có dịch màu vàng rỉ ra nhiều, nếu dùng dạng mỡ thì dịch bị chặn lại, không thoát ra được gây ngứa ngáy, khó chịu, cần dùng dạng cream có “độ loãng” nhất định. Khi dùng sai chỉ định thì sẽ dẫn đến dùng sai cả dạng bào chế, làm cho bệnh nặng thêm.

Các thành phần trong cả hai loại thuốc kép đều có tác dụng phụ:

Corticoid: Sau khi bôi, da sẽ bị nóng ngứa, kích ứng, khô da, viêm nang lông, phát ban dạng trứng cá, giảm sắc tố, viêm da quanh miệng, viêm da tiếp xúc dị ứng. Nếu băng chặt hay mặc quần áo bó chặt nơi bôi hoặc dùng lâu dài thì sẽ bị lột da (do salicylic), nhiễm khuẩn thứ phát (do corticoid làm giảm sức đề kháng của da) và có thể bị các tác dụng phụ như khi uống (tuy rằng điều này ít xảy ra).

Clotrimazol, gentamycin nếu dùng lâu dài (nhất là khi dùng mà không có sự nhiễm khuẩn nấm) thì sẽ làm cho chủng vi khuẩn không bị diệt phát triển nhanh, sinh ra chủng kháng thuốc, gây bội nhiễm thứ phát.

Với salycylic acid, nồng độ trong các biệt dược này cao (3%) dùng để hủy lớp da sừng hóa, khi làm dây ra vùng da lành sẽ gây nóng rát, gây viêm da.

Vì vậy, trong chứng ngứa này, cần xác định nguyên nhân, dùng thuốc đúng liều mới có hiệu quả và an toàn.

Nguồn: Sức khỏe&Đời sống

 

Các bài viết khác trong mục Tư vấn sức khỏe