Viêm gan tự miễn (Autoimmune Hepatitis – AIH) là bệnh gây tổn thương gan do hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công hủy hoại tế bào gan. Các nhà khoa học cho rằng, có yếu tố di truyền làm cho bệnh nhân dễ bị các bệnh tự miễn này.
Viêm gan tự miễn (Autoimmune Hepatitis – AIH) là bệnh gây tổn thương gan do hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công hủy hoại tế bào gan. Các nhà khoa học cho rằng, có yếu tố di truyền làm cho bệnh nhân dễ bị các bệnh tự miễn này. Khoảng 70% những người bị AIH là phụ nữ. Bệnh tiến triển mạn tính và dẫn đến xơ gan, cuối cùng sẽ là suy gan nếu không được điều trị kịp thời.
Viêm gan tự miễn xảy ra như thế nào?
Hiện nay, bệnh viêm gan tự miễn được công nhận là một rối loạn đa hệ có thể xảy ra ở nam và nữ mọi lứa tuổi. Bệnh có thể cùng xảy ra với các bệnh gan khác, chẳng hạn viêm gan virut, hoặc được kích hoạt bởi nhiễm virut (ví dụ viêm gan virut A, hóa chất…). Nhiệm vụ quan trọng của hệ thống miễn dịch là bảo vệ cơ thể trước sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh như virut, vi khuẩn… Bình thường, hệ miễn dịch không phản ứng chống lại các tế bào của cơ thể. Trường hợp hệ miễn dịch tấn công các tế bào của cơ thể gây ra phản ứng tự miễn. Các nhà khoa học cho rằng, các yếu tố vi khuẩn, virut, độc tố và một số loại thuốc đã kích hoạt đáp ứng tự miễn ở người làm cho hệ miễn dịch hoạt động quá mức, dẫn đến hiện tượng tự miễn.
Bệnh viêm gan tự miễn có 2 týp: týp 1 là dạng phổ biến nhất, có thể xảy ra ở bất cứ độ tuổi nào, nhưng thường gặp ở tuổi vị thành niên và thanh thiếu niên. Khoảng 50% số người bị týp 1 có kèm theo các rối loạn tự miễn khác như: đái tháo đường týp 1; viêm cầu thận tăng sinh; viêm tuyến giáp; bệnh Graves – là bệnh tuyến giáp hoạt động quá mức; hội chứng Sjogren gây khô mắt và miệng; bệnh thiếu máu tự miễn; viêm loét đại tràng. AIH týp 2 ít gặp hơn, thường xảy ra ở các bé gái từ 2 – 14 tuổi, nhưng cũng có thể gặp ở người lớn.
Biểu hiện bệnh
Một người bị viêm gan tự miễn thường có biểu hiện như sau: phổ biến nhất là mệt mỏi, gan to, vàng da, ngứa, da phát ban, đau khớp, khó chịu ở bụng, u mạch hình nhện hoặc các mạch máu bất thường trên da, buồn nôn hay nôn, mất cảm giác ngon miệng, nước tiểu đậm màu, phân bạc màu. Trong giai đoạn tiến triển có các triệu chứng liên quan đến bệnh gan mạn tính như báng bụng, rối loạn tâm thần, phụ nữ có thể bị vô kinh. Các triệu chứng của viêm gan tự miễn trải đều từ nhẹ đến nặng. Xét nghiệm máu về men gan có thể giúp phát hiện dấu hiệu điển hình của viêm gan, nhưng để chẩn đoán viêm gan tự miễn cần thiết phải thêm một số xét nghiệm khác. Trong viêm gan tự miễn, hệ miễn dịch sẽ tạo ra một hoặc nhiều loại tự kháng thể. Phổ biến nhất là kháng thể kháng nhân (ANA), kháng thể kháng cơ trơn (SMA) và các kháng thể kháng tiểu thể gan và thận (LKM). Bệnh nhân AIH týp 1 có ANA, SMA, hoặc cả hai. Bệnh nhân AIH týp 2 có anti LKM. Xét nghiệm máu giúp phân biệt viêm gan tự miễn do các bệnh virut viêm gan B, C hoặc một bệnh chuyển hóa như bệnh Wilson. Sinh thiết gan có thể giúp chẩn đoán chính xác bệnh AIH.
Phương pháp điều trị
Điều trị viêm gan tự miễn tốt nhất ngay khi chẩn đoán sớm được bệnh. Cả hai loại viêm gan tự miễn được điều trị với corticosteroid là prednisone. Bắt đầu với một liều cao từ 30 – 60mg mỗi ngày và được hạ xuống 10 – 20mg mỗi ngày với mục đích là để tìm ra liều thấp nhất có thể kiểm soát được bệnh. Thuốc khác là azathioprine giống như prednisone, azathioprine ức chế hệ miễn dịch, nhưng theo một cơ chế khác. Việc điều trị có thể bắt đầu với 2 loại azathioprine và prednisone, hoặc azathioprine có thể được thêm vào sau đó, khi bệnh được kiểm soát. Sử dụng của azathioprine cho phép giảm liều prednisone, do đó làm giảm tác dụng phụ của prednisone. Điều trị với liều thấp prednisone hoặc azathioprine có thể là cần thiết và kéo dài trong nhiều năm. Một số người chỉ có các triệu chứng nhẹ của bệnh, có thể không cần dùng thuốc.
Hai thứ thuốc prednisone và azathioprine đều có tác dụng phụ. Do phải dùng liều cao prednisone để điều trị bệnh viêm gan tự miễn nên việc kiểm soát tác dụng phụ là rất quan trọng. Nhưng cái khó là hầu hết các tác dụng phụ chỉ xuất hiện sau một thời gian dài, gồm: tăng cân, làm cho bệnh nhân lo lắng hoang mang, gây loãng xương, da và tóc mỏng, mắc bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp. Thuốc azathioprine có thể giảm số lượng bạch cầu, gây buồn nôn và chán ăn, hiếm gặp hơn đó là phản ứng dị ứng, tổn thương gan, viêm tụy với đau dạ dày nghiêm trọng.
Những bệnh nhân không đáp ứng với điều trị miễn dịch tiêu chuẩn hoặc những người có tác dụng phụ nặng có thể lại đáp ứng tốt với các tác nhân ức chế miễn dịch khác như mycophenylate mofetil, cyclosporine, tacrolimus. Những bệnh nhân viêm gan giai đoạn cuối hoặc xơ gan có thể phải ghép gan.
Theo ThS. Nguyễn Xuân Lãm
Nguồn: http://suckhoedoisong.vn