Sa trực tràng hoại tử do thoa thuốc điều trị trĩ

Đã có những trường hợp sa trực tràng hoại tử do thoa thuốc điều trị trĩ theo kinh nghiệm dân gian. Khi nghi ngờ bị bệnh trĩ cần đến bệnh viện để được thăm khám.

Hai bệnh nhân do dùng thuốc nam điều trị trĩ được cấp cứu tại BV Việt Đức
Hai bệnh nhân do dùng thuốc nam điều trị trĩ được cấp cứu tại BV Việt Đức

Một bệnh nhân nam 58 tuổi được ông sui mua tặng cho thuốc thoa rụng trĩ, gồm hai loại bột, loại màu xanh và loại màu trắng. Sau khi thoa, bệnh nhân thấy đau nhiều, cảm giác ớn lạnh sốt và không ngủ được. Nhưng nghe theo lời dặn của ông sui, bệnh nhân tiếp tục thoa thêm 6 ngày nữa, đau ngày càng nhiều và bây giờ khối màu hồng mềm ngoài hậu môn đã trở thành một khối màu đen cứng. Khối sa ra ngoài hậu môn lúc đầu còn đẩy vào hậu môn được nhưng bây giờ không làm cách nào có thể đưa nó trở vào hậu môn như cũ. Bệnh nhân chỉ có thể nằm nghiêng hay ngồi một mông trên ghế. Sau hai tuần chịu đựng với đau, mất ngủ và bất tiện trong sinh hoạt, bệnh nhân phải đành vào Bệnh viện Đại học Y Dược để khám và điều trị. Bệnh nhân được chẩn đoán là sa trực tràng hoại tử do thoa thuốc rụng trĩ.

Chẩn đoán sa trực tràng

Sa trực tràng là căn bệnh do trực tràng tụt qua lỗ hậu môn nằm ra ngoài. Đoạn ruột tụt ra ngoài bao gồm hết bề dày của thành trực tràng hay chỉ có mỗi lớp niêm mạc trực tràng.

Sa trực tràng là bệnh lành tính, không có biến chứng nặng nề và không có diễn biến phức tạp nhưng bệnh gây cho bệnh nhân nhiều phiền hà trong sinh hoạt và lao động.

Khối sa trực tràng lúc đầu thường nhỏ và ngắn, xuất hiện mỗi khi đi cầu. Đôi khi kèm theo chảy máu khi đi cầu làm bệnh nhân lầm tưởng với bệnh trĩ. Khi thăm khám, cho bệnh nhân ngồi ở tư thế ngồi xổm và rặn, thấy xuất hiện khối sa (hình 2). Tốt nhất là thực hiện quay phim hậu môn khi bệnh nhân đại tiện.

Các trường hợp sa trực tràng nghẹt, đẩy trở vào hậu môn khó khăn hoặc không thể đẩy được thì chắc chắn sẽ sớm dẫn đến hoại tử, cần được chẩn đoán và xử trí khẩn trương.

Điều trị phẫu thuật sa trực tràng

Các trường hợp sa trực tràng nặng, điều trị chủ yếu là bằng phẫu thuật.

Trường hợp sa trực tràng có thể đẩy trở vào hậu môn dễ dàng, phẫu thuật Orr-Loygue được ưa chuộng: mổ mở hay mổ nội soi, treo cố định trực tràng vào u nhô bằng các mảnh ghép nhân tạo (hình 3).

– Trường hợp trực tràng sa ra ngoài bị nghẹt và hoại tử hay trường hợp hoại tử do thoa thuốc điều trị trĩ thì phẫu thuật điều trị được thực hiện là cắt đoạn đại trực tràng sa ra ngoài và nối trực tràng với ống hậu môn: Phẫu thuật Altemeier (hình 4).

– Trường hợp sa trực tràng hoại tử kể trên cũng được chúng tôi mổ theo phương pháp này. Bệnh nhân xuất viện sau 5 ngày và bệnh ổn định khi đến tái khám 4 tuần sau.

Như vậy, mỗi khi nghi ngờ bệnh trĩ bệnh nhân nên đến khám tại bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị chuẩn xác, tránh được những trường hợp đáng tiếc, vì trĩ và sa trực tràng là hai căn bệnh khác nhau và cách điều trị cũng hoàn toàn không giống nhau.

PGS.TS.BS. NGUYỄN TRUNG TÍN – Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM

Nguồn: http://suckhoedoisong.vn


Các bài viết khác trong mục Tư vấn sức khỏe