Cao Bằng: 7 trẻ tử vong nghi do viêm não cấp

Cả 7 trường hợp này đều là trẻ dưới 6 tháng tuổi và hiện vẫn còn 12 trường hợp đang được điều trị tại Khoa nhi, Bệnh viện đa khoa huyện Bảo Lâm, Cao Bằng với các triệu chứng sốt, ho, viêm đường hô hấp.

1464328281-1464328075-vi--m-nao

                                                            Trẻ  mắc viêm não điều trị tại bệnh viện

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, Cục vừa nhận được báo cáo từ Cao Bằng 7 trường hợp tử vong bất thường nghi do viêm não cấp.

Theo đó, cả 7 trường hợp này đều là trẻ dưới 6 tháng tuổi và hiện vẫn còn 12 trường hợp đang được điều trị tại Khoa nhi, Bệnh viện đa khoa huyện Bảo Lâm, với các triệu chứng sốt, ho, viêm đường hô hấp.

Theo thông tin từ Sở Y tế tỉnh Cao Bằng, từ ngày 19/4 đến ngày 25/5, tại xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) có 7 trường hợp trẻ em dưới 6 tháng tuổi tử vong, nghi do viêm não cấp và 12 trường hợp đang điều trị tại BV như trên. Các bệnh nhi đều bắt đầu với triệu chứng bệnh như ho, sốt, viêm đường hô hấp trong đó có đến 7 ca tử vong.

Trước tình hình này, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, đoàn công tác gồm đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương đã được cử đến địa phương để hỗ trợ điều trị, lấy mẫu xét nghiệm, giám sát và xử lý ổ dịch. Ngay khi có báo cáo từ đoàn công tác sẽ tìm hiểu được căn nguyên khiến trẻ tử vong có phải do viêm não hay không.

Sau khi 7 trẻ tử vong nghi do viêm não cấp, Cục Y tế dự phòng yêu cầu Sở Y tế Cao Bằng phải giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc viêm não cấp, khoanh vùng, xử lý triệt để các ổ dịch, không để dịch lan rộng, triển khai các biện pháp phòng chống dịch trên toàn tỉnh nếu cần thiết.

Theo PGS Phu, viêm não cấp ở trẻ em do vi rút gây ra, với các triệu chứng ban đầu giống như viêm đường hô hấp thông thường, sau đó sốt cao, có các hội chứng thần kinh như đau đầu, nôn, buồn nôn.

Căn bệnh này nghi nhận rải rác quanh năm nhưng thường số ca mắc tăng cao trong những tháng hè, cao điểm từ tháng 6 đến tháng 8. Nếu không được phát hiện sớm, chữa kịp thời, bệnh sẽ để lại nhiều di chứng nặng nề như: bại não, liệt chân, tay, bị mắc động kinh, điếc, trí nhớ kém, ảnh hưởng đến kết quả học tập… và có tỉ lệ tử vong từ 10 – 15%.

Vì thế, trong thời điểm vào hè, bất kể trường hợp nào sốt, viêm đường hô hấp kèm theo triệu chứng đau đầu, nôn, buồn nôn cần phải được theo dõi để phát hiện sớm bệnh viêm não vi rút, điều trị sớm phòng nguy cơ các di chứng thần kinh để lại cho trẻ do vi rút viêm não tấn công.

Trong trường hợp nghi ngờ, để khẳng định bệnh bác sĩ sẽ phải tiến hành chọc dịch não tủy để xác định căn nguyên, điều trị sớm, tránh tình trạng phát hiện muộn, trẻ có nguy cơ để lại di chứng thần kinh.

Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo phòng bệnh và vệ sinh cá nhân, nơi ở và môi trường xung quanh. Rà soát củng cố công tác tiêm chủng mở rộng, tiêm phòng viêm não Nhật Bản cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng, đặc biệt các xã vùng sâu, vùng xa…

Nguồn: Theo Diệu Thu (Dân Việt)


Các bài viết khác trong mục Tin chuyên ngành