Việc đáp ứng thuốc điều trị của người bệnh đang đặt ra những yêu cầu bức thiết đối với các doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước. Làm sao thuốc trong nước vừa chất lượng nhưng giá cả hợp lý là một trong những chủ trương của Bộ Y tế đưa ra trong đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”.
Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp dược phải nâng cao chất lượng sản phẩm và định hướng kê đơn của bác sĩ, giúp người dân tiếp cận thuốc trong nước. Vấn đề này vừa được mổ xẻ tại Hội nghị Hiệp hội Doanh nghiệp dược Việt Nam.
Cạnh tranh khốc liệt
Theo ông Nguyễn Văn Tựu, Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất kinh doanh dược Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2014, ước tính tổng giá trị tiền thuốc sử dụng của người dân là 1.344 triệu USD. Trong đó trị giá thuốc thành phẩm nhập khẩu 825 triệu USD, còn trị giá thuốc sản xuất trong nước chỉ đạt 570 triệu USD. Qua đó cho thấy tỷ lệ thuốc sản xuất trong nước có phần “lép vế” hơn. “Tuy rằng trị giá thuốc sản xuất trong nước tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2013 nhưng thuốc nhập ngoại vẫn chiếm lĩnh thị phần”, ông Tựu trăn trở.
Nguyên nhân có nhiều, nhưng một số ý kiến cho rằng việc “ưu ái” cho thuốc nhập khẩu thoải mái quảng cáo, còn doanh nghiệp dược trong nước bị hạn chế không quá 15% doanh thu nên thua thiệt… Thực tế từ tổng hợp của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cũng cho thấy hiện đã có 10.861 thuốc đăng ký nước ngoài với gần 1.000 hoạt chất, trong khi ngành dược trong nước mới sản xuất được khoảng 500 hoạt chất. Do đó, thuốc nhập khẩu vẫn đa dạng hơn, khả năng đáp ứng được nhiều nhu cầu điều trị của người bệnh.
Không chỉ cạnh tranh khốc liệt với thuốc nhập khẩu, ngay chính các doanh nghiệp dược trong nước cũng “đạp” nhau để cạnh tranh. Theo ông Nguyễn Văn Tựu, hiện nay đang xảy ra tình trạng một hoạt chất mà có nhiều số đăng ký nên cạnh tranh quá lớn.
Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), TS Trương Quốc Cường, cũng nhìn nhận các doanh nghiệp dược trong nước đang “cạnh tranh vô tổ chức” và đặt ra nghi vấn về những loại thuốc có giá rẻ dưới cả giá thành sản xuất? Và kết quả sau khi kiểm tra có nhiều sản phẩm chất lượng không đạt yêu cầu nên không cho sản xuất, không cho nhập khẩu. Đó là minh chứng giá thuốc rẻ nên chất lượng chưa tốt!
Tiền nào của đó!
Đấu thầu thuốc vào các bệnh viện công lập cũng đang là vấn đề bức xúc đối với các doanh nghiệp dược trong nước, mặc dù trước đó Bộ Y tế đã triển khai đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”.
Theo ông Huỳnh Tấn Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội sản xuất kinh doanh dược Việt Nam, đề án trên rất có ý nghĩa nhưng không nên đánh đồng khái niệm “thuốc Việt” và tạo ngộ nhận thuốc giá rẻ với chất lượng “cũng rẻ”. “Thuốc Việt ở đây phải hiểu đúng là thuốc sản xuất trong nước nhưng phải thuốc tốt, đảm bảo chất lượng và có thể thay thế thuốc ngoại nhập về cả điều trị và giá cả hợp lý”, ông Nam nói.
Ông Nam cũng băn khoăn là có tình trạng hiểu sai, vô tình định hướng sử dụng thuốc Việt bằng bất cứ giá nào, xem nhẹ yếu tố chất lượng và hàm lượng khoa học. “Cách làm này sẽ cổ súy cho xu hướng phát triển tiêu cực vì chỉ cần thuốc nội giá rẻ là đủ, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng điều trị bệnh, triệt tiêu động lực đầu tư khoa học kỹ thuật và sẽ dần đánh mất niềm tin của người tiêu dùng”, ông Nam lo lắng.
Bà Phan Thị Minh Tâm, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dược Trung ương Medipharco- Tenamyd, cũng bức xúc vì một số hành lang pháp lý hiện hành, nhất là thông tư quy định về đấu thầu thuốc vô bệnh viện đang khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. “Hiện bất cập lớn nhất là thuốc trúng thầu được chọn giá rẻ nhất nhưng làm sao rẻ nhất mà chất lượng là bài toán khó. Chúng tôi có 3 nhà máy sản xuất đạt GMP-WHO (thực hành tốt sản xuất thuốc), nhưng với cơ chế đấu thầu như hiện nay, các nhà máy của chúng tôi phải đóng cửa từ giữa năm 2013 đến nay, công nhân không có việc làm”, bà Tâm than thở.
Cũng cùng “hoàn cảnh”, bà Nguyễn Thị Đào, Tổng Giám đốc Công ty dược Imexpharm, cho biết từ khi thực hiện Thông tư 01, đến Thông tư 36 rồi hướng dẫn Thông tư số 37 về đấu thầu thuốc chọn giá rẻ nhất thì Imexpharm… trắng tay. Theo bà Đào, cái gì vận dụng được ưu tiên thuốc trong nước thì các cơ quan thẩm quyền cần vận dụng, nhất là đối với các nhà máy đạt chuẩn EU-GMP (thực hành tốt sản xuất thuốc tiêu chuẩn châu Âu)…
Minh chứng cho điều này, ông Huỳnh Tấn Nam cho rằng quy định tại Thông tư liên tịch số 36/2013/TTLT-BYT-BCT về đấu thầu thuốc là chưa hợp lý khi sản phẩm đầu ra thuốc sản xuất nhượng quyền của nhà máy đạt tiêu chuẩn EU-GMP hoặc PIC/s-GMP bị xếp cùng nhóm với sản phẩm đầu ra của nhà máy sản xuất nhượng quyền đạt GMP-WHO. Điều này khiến nguy cơ triệt tiêu hoàn toàn động lực đầu tư kỹ thuật cao và đối mặt với tụt hậu!
Nhiều ý kiến cũng thừa nhận “tiền nào của đó”, nên hiện đấu thầu cạnh tranh giá thấp nhất khiến doanh nghiệp dược trong nước không nuôi nổi nhân công, đầu tư cho khoa học, tái đầu tư phát triển. Do đó, nhiều ý kiến đề nghị sớm điều chỉnh Thông tư 36 nói trên để kích thích sản xuất trong nước bền vững và đầu tư nước ngoài, làm sao đấu thầu giá hợp lý nhất nhưng phải đảm bảo phát triển.
Trước thực trạng trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu quan điểm chiến lược của ngành dược là chất lượng phải đảm bảo, giá cả hợp lý, đảm bảo nhu cầu của nhân dân, cung ứng đủ thuốc cho nhu cầu phòng bệnh chữa bệnh của nhân dân.
“Các nước Đông Âu vẫn đánh giá thuốc Việt Nam có chất lượng cao và muốn có quan hệ sản xuất kinh doanh. Trong nước, các bệnh viện đánh giá cao chất lượng thuốc nội, có bệnh viện sử dụng lượng thuốc nội tăng gấp đôi, gấp ba so với trước đây”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh và cho biết thêm sẽ yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp thu và phản hồi sớm các kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp dược trong nước. Đối với những bất cập liên quan Thông tư 01, Thông tư 36 và 37 về đấu thầu thuốc, Bộ trưởng yêu cầu có ý kiến cụ thể để tháo gỡ…
TƯỜNG LÂM
Nguồn: baomoi.com