Các nhà khoa học tin rằng họ đã tìm ra cách để “xóa sổ” HIV trong cơ thể người bệnh, làm tăng hi vọng về một biện pháp chữa khỏi căn bệnh này.
Hàng triệu người có HIV(+) trên thế giới đang được dùng các thuốc chống vi rút khi lượng vi rút trong máu vượt qua một ngưỡng nhất định.
Nhưng bất chấp các thuốc kháng vi rút hoạt tính cao (HAAR), một bộ phận vi rút vẫn có thể trốn thoát khỏi thuốc. Lý do là vì vi rút HIV có cơ chế sinh tồn nội tại, cho phép nó tạo ra những ổ chứa vi rút “ngủ”, không hoạt động mà hệ miễn dịch của cơ thể và các thuốc được dùng để điều trị bệnh không phát hiện được.
Các nhà khoa học cho biết họ đã tìm ra hợp chất đánh thức những ổ chứa HIV đang “ngủ” trong dòng máu
Mới đây, các nhà khoa học thuộc trường Đại học California đã xác định được một hợp chất có thể “đánh thức” những ổ chứa HIV “ngủ” trong dòng máu, khiến chúng dễ bị các thuốc điều trị vi rút “nhìn thấy” và nhắm trúng hơn. Nếu thành công, họ tin rằng phương pháp này sẽ là một bước tiến tới việc chữa khỏi bệnh.
Hợp chất có tên PEP005 – một hoạt chất đã được FDA Mỹ phê chuẩn trong thuốc điều trị ung thư PICATO – làm tăng hoạt hóa HIV trong mẫu máu của bệnh nhân. Và chất này cũng có độc tính thấp.
Ngoài PEP005, các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm một số hợp chất khác có khả năng tái hoạt hóa HIV thông qua những con đường khác nhau. Và họ đã tìm ra JQ1, chất có khả năng phối hợp với PEP005 để tăng tối đa hoạt hóa HIV.
PEP005 khi phối hợp với JQ1 làm tăng hoạt hóa HIV tới 15 lần.
Mặc dù các kết quả là rất hứa hẹn, song các nhà nghiên cứu lưu ý rằng việc “đánh thức” HIV chỉ có tác dụng khi sau đó HIV bị tiêu diệt. Tuy nhiên, HIV là một vi rút phức tạp và phải được điều trị bằng nhiều cách.
Tuy nhiên, việc xác định PEP005 và JQ1 là những chất hoạt hóa HIV “ẩn” là một bước đi quan trọng đúng hướng.
“Thật phấn khích khi biết rằng đó chính là hoạt chất trong thuốc PICATO đã được phê chuẩn và được dùng trên bệnh nhân,” TS. Dandekar chia sẻ.
“Ngoài việc rất hiệu quả trong tái hoạt hóa HIV, nó cũng phối hợp rất tốt với các thuốc tái hoạt hóa HIV thể ẩn khác, ít độc tế bào và không gây đáp ứng miễn dịch mạnh.”
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí PLOS Pathogens.
Nguồn: Cẩm Tú