Vấn nạn ô nhiễm môi trường trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đang gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe con người từ căn bệnh viêm mũi dị ứng. Khoảng 20% dân số Việt Nam đang phải chung sống với căn bệnh trên.
Trong nội dung hội thảo khoa học chuyên đề cập nhật, điều trị bệnh lý viêm mũi dị ứng cho 700 bác sĩ ở khu vực phía Nam, PGS.TS Trần Phan Chung Thủy, Giám đốc bệnh viện Tai Mũi họng, TPHCM cho biết: Tỷ lệ lưu hành của bệnh viêm mũi dị ứng đang gia tăng, đặc biệt ở các nước công nghiệp và phát triển. Đây là căn bệnh mạn tính thường gặp nhất chiếm từ 25% đến 35% dân số toàn cầu.
Môi trường sống của con người đang bị ô nhiễm nghiêm trọng
Thống kê sơ bộ của Tổ chức Nghiên cứu Quốc tế về hen và dị ứng ở trẻ em tại hai thành phố lớn của Việt Nam là Hà Nội và TPHCM cho thấy, tỷ lệ học sinh tại TPHCM mắc bệnh viêm mũi dị ứng là 41,5% và tại Hà Nội là 34,9%. Ước tính có khoảng 20% dân số trên cả nước mắc căn bệnh này.
Phân tích chuyên môn của BS Nguyễn Vĩnh Phước, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, bệnh viện Thống Nhất, TPHCM chỉ ra, bệnh viêm mũi dị ứng là do 3 nguyên nhân gồm: môi trường sống ô nhiễm, lối sống thiếu lành mạnh và do di truyền. Tình trạng dị ứng xảy ra là do những chất không được chấp nhận đi vào cơ thể, khi đó cơ thể sẽ sản xuất ra kháng thể để chống lại. Nguyên nhân chính của viêm mũi dị ứng gặp phải ở bệnh nhân hiện nay đa phần là do môi trường sống bị ô nhiễm.
Bệnh nhân mắc viêm mũi dị ứng nếu không được can thiệp và hỗ trợ về y tế sẽ dẫn tới tình trạng nhảy mũi thường xuyên khiến hốc mũi phù nề có thể gây tắc hoặc nhiễm trùng. Tình trạng trên kéo dài sẽ dẫn đến viêm xoang mạn tính khiến người bệnh buộc phải phẫu thuật hoặc chung sống với bệnh suốt cả phần đời còn lại.
Để hạn chế nguy cơ mắc bệnh viêm mũi dị ứng, bác sĩ khuyến cáo cộng đồng nên tự bảo vệ sức khỏe của mình, tránh tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, thường xuyên mang khẩu trang khi đi trên đường, mang công cụ bảo hộ lao động trong trường hợp phải làm việc trong môi trường ô nhiễm. Khi có biểu hiện bệnh nên đến bác sĩ để được thăm khám, điều trị kịp thời, tránh nguy cơ bệnh chuyển sang giai đoạn mạn tính.
Nguồn: Vân Sơn