Liên Hợp Quốc mới đây tuyên bố rằng thế giới có thể chấm dứt dịch bệnh AIDS trong vòng 15 năm tới.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-Moon cho biết trong một báo cáo tại Ethiopia hôm 14/7 rằng mục tiêu thanh toán căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS vào năm 2030 có thể sẽ hoàn thành.
Ông nói: “Kết thúc đại dịch đe dọa sức khỏe cộng đồng bao nhiêu năm nay là một tham vọng nhưng rất thực tế”.
Ảnh minh họa
Đại diện chương trình Phối hợp của Liên Hiệp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) cho biết các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc trong việc ngăn chặn và đẩy lùi sự lây lan căn bệnh đã đạt được.
UNAIDS đang nỗ lực thực hiện để tiến tới việc chấm dứt căn bệnh thế kỷ vào năm 2030 bằng cách đưa các dịch vụ dự phòng, điều trị và hỗ trợ tới nhiều người nhất có thể.
Michel Sidibe, Chủ tịch chương trình Phối hợp của Liên Hiệp Quốc về HIV/AIDS cho biết: “Trong thập kỷ đầu tiên của chiến dịch, số người chết vì AIDS là rất ít”.
Theo ý kiến của các quan chức cấp cao chìa khóa để thành công chính là việc điều chỉnh giá thuốc và gỡ nút thắt về sự phụ thuộc chặt chẽ của ngành công nghiệp dược phẩm với các chính sách chính phủ.
Hiện nay, trên thế giới có khoảng 15 triệu người đang được điều trị kháng virut AIDS, tăng mạnh so với con số 700.000 người vào năm 2000.
Thuốc giúp người bệnh kiểm soát sự phát triển của virut, kéo dài tuổi thọ và giảm nguy cơ lây nhiễm từ người này sang người khác.
Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, số tiền đầu tư cho việc phòng chống, chữa trị HIV/AIDS tăng đáng kể từ 5 tỷ USD năm 2001 tới 22 tỷ USD năm 2015.
Một trong những thành công nhất phải kể đến việc giảm tỷ lệ nhiễm mới ở trẻ tới 58% trong giai đoạn từ 2000 tới 2014. Điều này có được do đảm bảo việc phụ nữ mang thai nhận thuốc đủ để ngăn cản việc lây lan.
Tháng trước, Cuba trở thành quốc gia trên thế giới thành công trong việc ngăn chặn lây truyền AIDS từ mẹ sang con.