Theo lộ trình, đến năm 2020 viện phí sẽ được tính đúng, tỉnh đủ trên cả 7 yếu tố cấu thành giá dịch vụ khám chữa bệnh. Kế hoạch trên sẽ xóa tình trạng bao cấp ngược, cải cách tài chính công, xã hội hóa lĩnh vực y tế.
Xóa tình trạng bao cấp viện phí
Trong tháng 11/2015 các bệnh viện trên cả nước sẽ đồng loạt áp dụng giá mới với mức tăng từ 20% đến 30% cho 1.800 dịch vụ.
Phân tích của ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế ) tại buổi chia sẻ thông tin về lộ trình điều chỉnh viện phí với báo chí ngày 19/10 chỉ ra, giá dịch vụ y tế tính đúng, tính đủ phải bao gồm 7 yếu tố: chi phí thuốc, vật tư trực tiếp; chi phí điện, nước, xử lý chất thải; chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ, dụng cụ trực tiếp sử dụng để thực hiện các dịch vụ; chi phí tiền lương, phụ cấp; chi phí sửa chữa lớn, khấu hao trang thiết bị; chi phí khấu hao nhà cửa; chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học.
Tuy nhiên, giá dịch vụ y tế hiện nay mới chỉ tính một phần các chi phí trực tiếp của 3/7 yếu tố, phần còn lại đang được nhà nước bao cấp cho hệ thống y tế công. Điều đó cho thấy sự bao cấp tràn lan đang diễn ra, nhà nước phải cấp những chi phí chưa cấu thành vào giá cho các bệnh viện, trong khi đó, những người không tham gia bảo hiểm y tế, có khả năng chi trả toàn bộ viện phí nhưng cũng chỉ phải trả chi phí thấp do ngẫu nhiên được hưởng bao cấp từ nhà nước.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho hay: Đây là tình trạng bao cấp ngược mà các tổ chức quốc tế khi nghiên cứu về y tế Việt Nam đã chỉ ra. Nhà nước đáng ra chỉ phải bao cấp cho những người không có khả năng chi trả viện phí như trẻ dưới 6 tuổi, gia đình hộ nghèo, cận nghèo, người có công… thì hiện tại đang bao cấp cho cả người giàu, có khả năng thanh toán toàn bộ viện phí.
Để tránh tình trạng bao cấp tràn lan, từ năm 2008, Quốc hội đã có chủ trương giao Chính phủ sửa đổi, bổ sung các quy định về viện phí trên cơ sở tính đúng, tính đủ chi phí phục vụ người bệnh, trong đó có phần kinh phí do ngân sách nhà nước hỗ trợ. Thực hiện chủ trương trên, Chính phủ đã đề ra lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế trên cơ sở tình hình phát triển kinh tế, xã hội, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế, mức đóng và khả năng cân đối quỹ bảo hiểm.
Sau thông tư liên tịch (số 04/2012) của liên Bộ Tài chính, Bộ Y tế giá viện phí đã chính thức được áp dụng theo hướng tính đúng đối với 3/7 yếu tố trực tiếp. Sau 2 năm điều chỉnh, đến nay giá dịch vụ y tế ở các địa phương mới chỉ điều chỉnh từ 60% đến 80% nhưng đang mang lại hiệu quả khả quan, quyền lợi của bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế đã tăng lên, các bệnh viện được sử dụng 15% tiền khám bệnh, giường chăm sóc bệnh để tái đầu tư trang thiết bị phục vụ bệnh nhân.
Quyền lợi người bệnh có bảo hiểm y tế tăng cao
Trước những thành quả đạt được, ngày 14/2/2015 Chính phủ ban hành Nghị định (số 16/2015/NĐ-CP) quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp, quy định lộ trình: đến năm 2016 sẽ tính đúng chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp nhưng chưa tính chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định; đến năm 2018 sẽ tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý, chưa tính chi phí khấu hao tài sản cố định; đến năm 2020 tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định. Đây là chủ trương cải cách tài chính công, xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, giảm dần việc cấp ngân sách trực tiếp cho các bệnh viện, chuyển sang hỗ trợ cho đối tượng thụ hưởng thông qua bảo hiểm y tế.
Khi giá dịch vụ được tính đủ tiền lương và chi phí trực tiếp, bệnh viện sẽ phải tuyển dụng thêm viên chức theo đúng định mức nhân lực để chăm sóc người bệnh tốt hơn. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng sẽ có kinh phí để duy tu, bảo dưỡng trang thiết bị nhà cửa. Khi giá dịch vụ được tính đủ tất cả các yếu tố, bệnh viện sẽ không còn được ngân sách nhà nước cấp kinh phí hoạt động, nguồn kinh của bệnh viện sẽ được bảo hiểm y tế thanh toán cho người có thẻ bảo hiểm và người bệnh không có thẻ bảo hiểm tự chi trả. Bệnh viện muốn tồn tại và phát triển được thì phải nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, nếu không người bệnh sẽ không đến điều trị, bảo hiểm y tế sẽ không ký hợp hợp đồng với bệnh viện.
Mặt khác, khi giá dịch vụ được tính đủ, có cả khấu hao thì giá dịch vụ của bệnh viện công, giá từ các hoạt động xã hội hóa và giá của bệnh viện ngoài công lập sẽ tương đương không còn tồn tại tình trạng 2 giá công – tư như hiện nay. Lúc này, giá sẽ phụ thuộc vào chất lượng dịch vụ. Cuộc cạnh tranh công bằng giữa các loại hình dịch vụ y tế sẽ diễn ra, góp phần khuyến khích xã hội hóa, khuyến khích bệnh viện tư, đồng thời gây sức ép buộc bệnh viện công phải nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển kỹ thuật hiện đại để thu hút người bệnh.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, chủ trương tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế không phải là tăng chi phí để thực hiện các dịch vụ y tế mà là chuyển các khoản chi trước đây nhà nước bao cấp trực tiếp cho bệnh viện vào giá sang hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế. Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế giúp người bệnh có bảo hiểm y tế sẽ được hưởng quyền lợi cao nhất. Khi giá viện phí tính đúng, tính đủ thì bảo hiểm y tế sẽ chi trả cho những khoản nằm ngoài danh mục trước đây nên giảm sự đóng góp thêm của người bệnh. Ngược lại, đối tượng không có bảo hiểm y tế sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi họ không còn được nhà nước bao cấp.
Khi không còn phải bao cấp về giá dịch vụ khám chữa bệnh cho các bệnh viện nhà nước sẽ dành được ngân sách để mua thẻ bảo hiểm cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, hỗ trợ học sinh, sinh viên, và các đối tượng nông, lâm, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình để thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân. Bên cạnh đó nhà nước cũng sẽ có nguồn vốn từ ngân sách để đầu tư phát triển hệ thống y tế dự phòng.
Nguồn : Vân Sơn