Tổ chức Y tế thế giới WHO ngày 1.2 đã công bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu về virus Zika, được cho là nguyên nhân khiến hàng ngàn trẻ em Nam Mỹ sinh ra với đầu nhỏ hơn bình thường, đã lan sang các châu lục khác trong đó có châu Á.
1. Vì sao có tình trạng khẩn cấp toàn cầu?
Tuyên bố virus Zika là “tình trạng khẩn cấp toàn cầu” đồng nghĩa đây là mối đe dọa thực sự nghiêm trọng với trái đất. Zika được xếp cùng mức độ với dịch bệnh Ebola trước đây. Điều này cũng kêu gọi đầu tư tiền của nhiều hơn để tìm ra các phương thức chữa trị và vaccine để phòng chống bệnh dịch.
WHO đang lo ngại Zika lây lan quá nhanh và quá mạnh, hậu quả để lại sẽ là khôn lường.
2. Triệu chứng bệnh là gì?
Chỉ 1 trong 5 ca mắc bệnh có triệu chứng rõ ràng. Trong đó bao gồm: sốt nhẹ, mắt đỏ ngứa, đau đầu, đau khớp, phát ban. Rối loạn hệ thống thần kinh hiếm gặp mang tên hội chứng Guillain-Barre có thể mắc phải khiến bệnh nhân bị liệt tạm thời.
Hiện nay chưa có vaccine hay thuốc trị bệnh. Bệnh nhân được khuyên nghỉ ngơi và uống nhiều nước. Tuy nhiên, lo ngại lớn nhất chính là những em bé chưa sinh ra. Khả năng rất cao các em sẽ bị teo não nếu mẹ mắc virus Zika.
3. Chứng teo não
Khi một đứa trẻ sinh ra đầu nhỏ hơn bình thường, não bộ của bé sẽ bị ảnh hưởng. Sự ảnh hưởng khác nhau ở mỗi em nhưng nếu não quá bé, các em có thể chết vì các chức năng quan trọng nhất để duy trì sự sống không được não chỉ huy.
Trẻ em dù sống sót nhưng trí tuệ sẽ gặp nhiều vấn đề. Nguyên nhân gây teo não trẻ sơ sinh có thể là do bệnh truyền nhiễm như rubella, lạm dụng thuốc trong thai kì hoặc khiếm khuyết gene.
Brazil có hơn 150 ca mắc bệnh teo não trong năm 2014. Tuy nhiên tháng 10.2015, hơn 3.500 trường hợp đã được phát hiện. Sự nghi ngờ về mối quan hệ giữa Zika và bệnh teo não chưa được kiểm chứng.
4. Zika đến từ đâu?
Virus Zika được phát hiện lần đầu trên khỉ ở Uganda năm 1947. Người đầu tiên bị mắc bệnh là một bệnh nhân ở Nigeria năm 1954. Sau đó, dịch bùng phát ra châu Phi, Đông Nam Á.
Hầu hết các ca mắc Zika đều ở số lượng ít nên chưa được coi là hiểm họa với loài người. Tuy nhiên, tháng 5.2015, Brazil đã bùng phát dữ dội dịch bệnh này.
Ngoài Brazil, những quốc gia Nam Mỹ khác gồm Barbados, Bolivia, Colombia, Cộng hòa Dominica, Ecuador,Guatemala, Haiti, Mexico, Paraguay, Puerto Rico và Venezuela đều phát hiện ca bệnh. Tại châu Âu, những quốc gia như Đan Mạch, Italia hay Tây Ban Nha cũng xuất hiện người trở về từ vùng dịch và mang theo virus Zika. Vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) cũng có ca bệnh nhiễm Zika.
5. Zika lan truyền thế nào?
Virus Zika lan truyền do muỗi Aedes. Chúng được tìm thấy ở mọi quốc gia châu Mỹ, trừ Canada và Chile. Hai khu vực này quá lạnh để muỗi sinh sống. Ở châu Á, loài muỗi Aedes cũng tồn tại. Khi hút máu người, chúng truyền luôn virus Zika vào cơ thể họ.
Không giống như muỗi truyền sốt rét, loại muỗi Aedes hoạt động chủ yếu vào ban ngày nên mắc màn ban đêm không có tác dụng. WHO cảnh báo virus Zika sẽ lan truyền toàn châu Mỹ nhưng các nhà khoa học cũng khẳng định các quốc gia châu Á cũng không phải là ngoại lệ.
6. Chúng ta có thể làm gì?
Vì hiện nay chưa có thuốc chữa trị nên cách tốt nhất là hạn chế bị muỗi đốt. Các lời khuyên gồm xịt thuốc muỗi, mặc quần áo dài tay và đóng kín cửa sổ, cửa ra vào.
Muỗi đẻ trứng ở nơi nước đọng nên người dân được khuyên đổ hết nước ở chậu hoa, thùng hoặc xô không sử dụng. Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh ở Mỹ khuyên phụ nữ có thai không nên tới các vùng có dịch.
7. Chúng ta đang đối phó thế nào?
Bộ trưởng Y tế Brazil, Marcelo Castro cho biết một dụng cụ thử nghiệm mới đã được ra mắt để phát hiện ca bệnh nhanh hơn. Ông cũng khẳng định tiền của đang được tập trung để tìm ra loại vaccine hiệu quả.
Một số nhà khoa học đề xuất sử dụng những loại muỗi biến đổi gene để hạn chế số lượng muỗi trong thiên nhiên. Hiện tại, cách phổ biến nhất vẫn là dùng thuốc xịt.