Tại sao tôi đã hết cảm mà vẫn ho hoài không hết? Đó là câu hỏi của bệnh nhân đặt ra cho các bác sĩ tai mũi họng hoặc hô hấp hằng ngày tại phòng khám.
Bệnh cảm là gì ?
Bệnh cảm thông thường là tình trạng nhiễm siêu vi hay còn gọi là virút của đường hô hấp trên. Bệnh thường biểu hiện bằng các triệu chứng như chảy mũi, nghẹt mũi, hắt xì, ngứa họng, đau họng, chảy nước mắt, ho, nhức đầu, đau nhức ê ẩm mình mẩy, mệt mỏi, sốt nhẹ và ăn uống kém.
Thông thường bệnh sẽ hết sau 5-7 ngày. Một số rất ít trường hợp bệnh kéo dài 10-14 ngày. Khoảng 10% dẫn đến các biến chứng như viêm xoang, viêm phế quản phổi, viêm tai giữa.
Ho do viêm xoang
Ngoài triệu chứng ho, các triệu chứng khác như sổ mũi, nghẹt mũi, đau họng tăng dần, kèm nhức đầu có thể khạc ra hay hỉ mũi ra đàm vàng, xanh có mùi hôi. Nhức đầu, đau các vùng xoang hàm, trán hoặc đau trong mũi, giữa hai cung mày.
Trong thực tế đôi lúc chỉ có duy nhất triệu chứng ho, do dịch tiết nhiễm trùng ở mũi xoang chảy xuống họng kích thích họng gây ho. Thông thường bệnh nhân không cảm nhận được mình có chảy mũi phía sau, tức là chảy xuống họng, nhưng cũng có một số bệnh nhân cảm nhận điều này rất rõ và đây là triệu chứng làm bệnh nhân rất khó chịu đi kèm với triệu chứng ho.
Ho do viêm phế quản – phổi
Sau khi các triệu chứng cảm như ho, sổ mũi, đau họng đã hết nhưng triệu chứng ho tăng lên, ho thường có đàm, đàm có thể trong, vàng, xanh hoặc có thể có máu, có thể có sốt hoặc không. Trường hợp nặng có thể có tức ngực, khó thở hoặc ói, tiêu chảy. Bệnh nhân thường than phiền có khó chịu sâu trong lồng ngực, ho thường tăng lên khi lạnh, đặc biệt là sáng sớm.
Ho do kích thích thần kinh
Ho do kích thích thần kinh sau đợt cảm thường có đặc điểm là người bệnh hoàn toàn bình thường, không cảm thấy mệt mỏi hay có các triệu chứng đường hô hấp khác ngoài triệu chứng ho. Trước khi ho người bệnh thường có cảm giác nhột, ngứa, bị kích thích trong họng hoặc thanh quản, cảm giác này thường đưa đến một cơn ho dữ dội không thể nào kiểm soát được. Ho thường tăng lên khi nhiệt độ thay đổi, hít sâu, cười, nói, có mùi lạ, ngồi trước gió hoặc một số thực phẩm có dầu mỡ, gia vị. Triệu chứng ho thường tồn tại và kéo dài hơn tám tuần sau khi bị cảm.
Làm thế nào để phòng bệnh ?
Khi bị cảm, cần nhất là giữ ấm cơ thể, tránh luồn gió lạnh, tránh đi ngoài sương; uống nhiều nước ấm; nghỉ ngơi nhiều, tránh làm việc thức khuya dậy sớm, làm việc quá mức; súc miệng bằng nước muối sinh lý; rửa mũi bằng nước muối ấm, có thể sử dụng các loại thuốc chống nghẹt mũi nhưng không quá năm ngày. Nên ăn các thức ăn rau quả nhiều vitamine, tránh dùbng các thức ăn nhiều dầu mỡ khó tiêu.
Khi thấy các triệu chứng không thuyên giảm mà trở nên nặng hơn nên đi khám bác sĩ để có chẩn đoán và xử lý kịp thời.
Nguồn: BS VƯƠNG THỊ NGỌC LAN -Giảng viên ĐH Y Dược TP.HCM