Những năm gần đây, ngày càng nhiều người, đặc biệt là những người nam béo phì có chứng ngủ ngáy to, rất quan tâm và lo lắng về bệnh ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.
Bệnh sẽ không còn là nỗi lo âm ỉ hay dai dẳng nữa nếu chúng ta biết cách tự tầm soát được tại nhà.
Tại sao phải chữa trị sớm?
Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn là một rối loạn giấc ngủ thường gặp khoảng 4% ở nam và 2% ở nữ. Bệnh được mô tả là khi bệnh nhân ngủ, đường hô hấp trên bị tắc nghẽn hoàn toàn kéo dài hơn 10 giây; sự tắc nghẽn này lặp đi lặp lại nhiều lần trong giấc ngủ, làm bệnh nhân không thể thở được và phải giật mình thức giấc. Về lâu dài nếu không chữa trị, bệnh sẽ đưa đến các biến chứng như đái tháo đường, cao huyết áp, bệnh lý tim mạch và đột quỵ.
Các triệu chứng điển hình?
Các triệu chứng của bệnh ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn được chia làm hai nhóm: (1) triệu chứng ban đêm do tắc nghẽn đường thở tạo ra, và (2) triệu chứng ban ngày do hậu quả của việc mất ngủ ban đêm tạo ra.
Các triệu chứng ban đêm bao gồm ngáy to làm phiền người ngủ bên cạnh, có những cơn ngưng thở được người thân chứng kiến, có những cơn nghẹt thở hay thở một cách khó nhọc, cảm giác trằn trọc khó ngủ và đi tiểu đêm.
Còn các triệu chứng vào ban ngày là những biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu buổi sáng, buồn ngủ vào ban ngày, kém tập trung, dễ cáu gắt, ngủ gật khi đang làm các công việc thường ngày như đọc báo, xem tivi, lái xe, ngồi một mình.
Nguyên nhân của bệnh?
Bình thường khi thức giấc, các cơ trong đường hô hấp luôn có một lực nhất định (gọi là trương lực cơ) giữ cho đường hô hấp trên mở ra để chúng ta có thể hít thở. Khi ngủ các cơ thư giãn, trương lực cơ giảm; đường hô hấp lúc này sẽ hẹp hơn lúc thức nhưng hoạt động hô hấp vẫn diễn ra bình thường.
Trường hợp sau một ngày làm việc quá mệt mỏi hoặc sau khi uống rượu bia, trương lực cơ của chúng ta sẽ giảm nhiều hơn, đường thở sẽ hẹp hơn nữa, các cấu trúc trong đường thở sẽ rung động gây ra tiếng ngáy to hoặc có thể ngưng thở nhưng trong giới hạn bình thường.
Khi đường hô hấp trên bị tắc nghẽn hoàn toàn và lặp đi lặp lại, nguyên nhân có thể do những bất thường ở khung xương mà các cơ ở đường hô hấp trên bám vào hoặc do phì đại bất thường các cấu trúc mô mềm trong đường hô hấp như phì đại cuốn mũi, vẹo vách ngăn, amiđan phì đại, lưỡi gà dài, lưỡi to, phì đại đáy lưỡi, bất thường thanh thiệt, cổ ngắn nhiều mô mỡ xung quanh ở người béo phì.
Các đối tượng có nhiều nguy cơ?
Các nghiên cứu cho thấy bệnh ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn xảy ra ở nam gấp đôi ở nữ, và có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng tuổi thường gặp là 18-60 tuổi. Bệnh cũng thường gặp ở người béo phì, cao huyết áp, tiểu đường, uống rượu bia, hút thuốc lá, và những người trong gia đình có tiền sử về bệnh ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.
Cách chẩn đoán bệnh?
Để chẩn đoán bệnh, người bệnh cần được đo các chỉ số hoạt động của cơ thể trong giấc ngủ bằng cách đeo một máy đo được gọi là máy đo đa ký giấc ngủ. Máy này sẽ ghi lại các chỉ số trong giấc ngủ bao gồm: điện não, điện động mắt, điện tim, điện cơ, lưu lượng khí thở, nhịp thở, gắng sức ngực bụng, chỉ số oxy, cacbonic trong máu, số lần ngáy.
Kết quả đo đa ký giấc ngủ sẽ cho biết một người có bị ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn hay không, mức độ nặng nhẹ như thế nào, có kèm theo các rối loạn hô hấp khác hay không, từ đó bác sĩ sẽ đưa ra cách điều trị phù hợp.
Các phương pháp điều trị bệnh ngưng thở khi ngủ đo tắc nghẽn
Có ba cách điều trị ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn: thứ nhất là giảm cân, thứ nhì là thở máy áp lực dương và thứ ba là phẫu thuật. Các phương pháp này có thể tiến hành riêng lẻ hoặc cũng có thể kết hợp với nhau để đạt hiệu quả cao nhất.
Từ kết quả đo đa ký giấc ngủ, dựa vào chỉ số ngưng giảm thở trong một giờ, bệnh được chia thành ba mức độ từ nhẹ đến nặng. Nếu ở mức độ nhẹ, thông thường chỉ cần tập thể dục, giảm cân, ngủ nằm nghiêng, tránh uống rượu bia là đủ.
Trường hợp ngưng thở trong lúc ngủ ở mức độ trung bình hoặc nặng, ngoài các biện pháp áp dụng cho mức độ nhẹ, bệnh nhân cần phải được điều trị bằng máy thở áp lực dương còn gọi là máy CPAP. Máy này bao gồm một thân máy có kích thước khoảng 15x10x5cm, chạy bằng pin để tạo ra dòng không khí có áp lực dương từ 4-20cm nước, thân máy kết nối với đường hô hấp trên của người bệnh bằng ống dẫn và một mặt nạ mũi hoặc mặt nạ mũi miệng.
Mỗi buổi tối, bệnh nhân sẽ đeo măt nạ và bật máy lên khi đi ngủ, dòng không khí có áp lực dương của máy thở sẽ làm các chỗ hẹp hoặc tắc ở đường hô hấp trên mở ra, bệnh nhân sẽ có đầy đủ oxy cho giấc ngủ và không còn ngưng thở nữa. Máy thở áp lực dương này cần được sử dụng suốt đời. Tuy nhiên trên thực tế vì những lý do khác nhau, nhiều bệnh nhân từ chối sử dụng máy thở CPAP hoặc đã sử dụng máy nhưng không hiệu quả. Khi đó những bệnh nhân này sẽ được xem xét về phương pháp phẫu thuật để điều trị bệnh.
Bệnh nhân sẽ được cho ngủ bằng thuốc để tạo ra một giấc ngủ gần giống như giấc ngủ tự nhiên ở nhà, sau đó bác sĩ tai mũi họng sẽ dùng ống nội soi mềm đưa vào đường hô hấp trên qua mũi, quan sát khoảng sau khẩu cái, sau đáy lưỡi và thanh quản để chẩn đoán vị trí tắc nghẽn và hình thái tắc nghẽn của từng vị trí, từ đó lựa chọn phương pháp phẫu thuật phù hợp cho từng bệnh nhân.
Thông thường các phẫu thuật điều trị ngưng thở do tắc nghẽn giúp giảm được tỉ lệ bệnh từ 40-80%. Khi phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật dưới gây mê toàn thân, tùy quy mô của phẫu thuật mà bệnh nhân có thể nằm viện 1-5 ngày.
Cách tự tầm soát bệnh ngưng thở do tắc nghẽn tại nhà
Để tự tầm soát mình có nguy cơ mắc bệnh ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn hay không, bạn cần trả lời 8 câu hỏi sau:
(1) Bạn có ngáy to không?
(2) Bạn có mệt mỏi hay buồn ngủ vào ban ngày không?
(3) Bạn có nghe người khác nói rằng họ chứng kiến bạn có cơn ngừng thở không?
(4) Bạn có bị cao huyết áp không?
(5) Bạn có chỉ số khối cơ thể (BMI) (tính bằng cách lấy số cân nặng chia cho bình phương chiều cao của cơ thể) trên 35 không?
(6) Bạn có đang ở độ tuổi trên 50 không?
(7) Bạn có chỉ số vòng cổ trên 40 cm không?
(8) Bạn có thuộc phái nam không ?
Nếu trả lời là “có” cho 5-8 câu hỏi thì bạn có nguy cơ cao về bệnh ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn; nếu trả lời là “có” cho 3-4 câu hỏi thì bạn có nguy cơ trung bình; và nếu trả lời là “có” cho 0-2 câu hỏi thì bạn ít có nguy cơ.
Nguồn: ThS.BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG